Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 00:11
Thứ năm, 20/01/2022 14:01
TMO - Hiện nay, mặc dù đã đầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, xây mới và phát triển hệ thống chợ. Tuy nhiên, tại một số chợ tại tỉnh Thanh Hóa vẫn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, thu gom, rác chưa triệt để, chưa có hệ thống thoát nước đảm bảo tiêu chuẩn... dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Chợ Đông Hương là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, với trên 700 hộ kinh doanh. Chợ hoạt động 24/24, với khối lượng hàng hóa từ nhiều nơi đổ về gây áp lực lớn đối với công tác bảo vệ môi trường tại khu vực. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm, từ năm 2020 đến nay, ban quản lý chợ đã bố trí, phân luồng các xe chở hàng vào chợ, cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước thải, nhất là khu vực buôn bán thực phẩm, khu vực các hộ buôn bán, sơ chế gia cầm, thủy, hải sản có sử dụng nước và có nước thải.
Ban quản lý các khu chợ trên địa bàn tỉnh tăng cường việc tuyên truyền các tiểu thương thực hiện nghiêm túc bảo vệ môi trường
Bên cạnh đó, ban quản lý chợ đã yêu cầu tất cả tiểu thương phải thực hiện nghiêm túc việc bỏ rác vào đúng nơi quy định, bảo đảm sạch sẽ tại nơi chế biến, sơ chế thực phẩm, không xả nước thải bừa bãi... Tuy nhiên, do số lượng tiểu thương ngày càng tăng, lượng hàng hóa ngày một nhiều, bởi vậy đã dẫn đến tình trạng quá tải tại đây. Khu vực bán thực phẩm tươi sống luôn trong tình trạng ẩm ướt. Mùi hôi tanh nồng nặc bốc lên từ quầy bán cá, gia cầm khiến cho không khí ngột ngạt.
Tại Chợ Vạn Hà, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) có gần 300 hộ kinh doanh, buôn bán đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, do chợ được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, lại không được thường xuyên sửa chữa, nâng cấp, nên hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Buôn bán hải sản tại một số chợ còn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường
Dãy chợ bán các loại nông sản và thực phẩm tươi sống chưa được xây dựng cao ráo. Sạp bán hàng được che tạm bợ, thịt được bày bán trên các bàn gỗ, tre đã ọp ẹp. Vào mùa mưa, cả khu chợ, nhất là khu bán nông sản, thực phẩm nước ngập lênh láng. Mùa khô thì bụi bẩn, gây mất vệ sinh môi trường, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao...
Để bảo đảm vệ sinh môi trường tại chợ, đặc biệt là trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ban quản lý chợ Vạn Hà đã phổ biến, tuyên truyền cho các tiểu thương nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung cho chợ thông qua hành động thu gom rác thải, quét dọn sạch sẽ gian hàng sau mỗi buổi chợ. Đầu tư bàn bằng chất liệu inox để bày bán các nông sản, thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống nhằm góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm.
Vừa qua, UBND thị trấn Thiệu Hóa đã đầu tư 40 triệu đồng để xây dựng, nâng cấp các rãnh thoát nước nhằm giải quyết trước mắt tình trạng nước thải trong chợ. Hiện, thị trấn đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi mô hình chợ để người dân có một nơi giao thương bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ở các chợ, vẫn còn tình trạng bày bán thực phẩm đã nấu chín xen lẫn sản phẩm tươi sống như thịt lợn quay, vịt quay, đồ chín để chung sạp với thịt chưa qua chế biến; các loại bánh, chè, khoai, thức uống... sát lề đường, không được che chắn... Mặc dù một số địa phương đã đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục một phần tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chất lượng công tác bảo vệ môi trường tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế.
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có gần 400 chợ, trong đó có 3/4 là chợ truyền thống được xây dựng lâu năm ở khu vực nông thôn, miền núi, nên vệ sinh môi trường tại nhiều chợ chưa được bảo đảm. Vì vậy, để hài hòa giữa phát triển thương mại với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương theo hướng sạch đẹp, văn minh, ban quản lý các chợ cần chú trọng công tác tuyên truyền, trang bị thêm các bảng quy ước bảo vệ môi trường đặt trong khu vực chợ để các hộ kinh doanh nghiêm túc, tự giác chấp hành, góp phần giữ gìn khu vực kinh doanh sạch, đẹp, thông thoáng.
Đồng thời, thành lập và duy trì hoạt động quản lý bảo vệ môi trường chợ, đầu tư bổ sung trang thiết bị chứa rác; vận động các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ thực hiện việc phân loại rác thải, hình thành ý thức tốt về phân loại rác tại nguồn, tạo thuận tiện cho việc thu hồi và tái chế sử dụng, từng bước đưa công tác quản lý bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu.
Nguyễn Ngọc
Bình luận