Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ bảy, 13/04/2024 12:04
TMO - Là một trong những địa phương chịu tác động trực tiếp, thiệt hại nghiêm trọng từ thiên tai, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp khác thì việc nâng cao năng lực dự báo, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai được tỉnh Yên Bái chú trọng thực hiện.
Yên Bái là tỉnh miền núi chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra 16 đợt thiên tai làm 8 người chết, 1 người bị thương, gây hư hỏng 1.612 căn nhà, thiệt hại 2.301 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, trên 4.641 con gia súc, gia cầm bị chết.
Thiên tai cũng làm hư hỏng 7 điểm trường, 10 công trình văn hóa, y tế, 169 công trình thủy lợi, 5 công trình nước sạch nông thôn, 60.000 m3 tại 225 vị trí sạt lở taluy dương, 475m tại 22 vị trí sạt lở taluy âm nền mặt đường, 3.500m hộ lan và công trình thoát nước tại quốc lộ 32, trên 95.000 m3 đất đá bị sạt lở tuyến đường dẫn đến trung tâm các xã, 4 cầu bị cuốn trôi, hư hỏng. Các nhà máy thuỷ điện: Hồ Bốn, Mường Kim, Ma Lừ Thàng bị sạt lở, bồi lấp bùn đất, ngừng vận hành; 132 cột điện bị gẫy, đổ và có nguy cơ sạt lở, 12.500m dây điện bị đứt; 51 trạm di động BTS bị mất liên lạc và thiệt hại tài sản khác,... Ước tính thiệt hại khoảng 420 tỷ đồng.
Tác động từ thiên tai nhất là tình hình mưa lũ đòi hỏi tỉnh Yên Bái cần nâng cao năng lực dự báo, sẵn sàng phương án ứng phó.
Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh Yên Bái cho biết, những năm gần đây, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tỉnh xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của người dân và cộng đồng; tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đã bố trí trực 24/24 giờ và liên tục cập nhật số liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét, số liệu quan trắc… và đưa ra dự báo trước 2 - 3 ngày các trận mưa lớn diện rộng; cảnh báo trước từ 1 - 3 giờ đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông. Năm 2021 - 2023, tỉnh đã đầu tư lắp đặt thêm 104 trạm đo mưa tự động, nâng tổng số trạm đo mưa toàn tỉnh lên 142 trạm; theo dõi, đánh giá thử nghiệm 2 hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất đặt ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải và xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.
Đồng thời, theo dõi, đánh giá thử nghiệm Hệ thống thông tin thời tiết và cảnh báo thiên tai ở 4 huyện, thị phía Tây. Đây là hệ thống phần mềm kết hợp được các công nghệ tiên tiến trên thế giới để thu thập dữ liệu thời tiết, ảnh vệ tinh quan sát mặt đất, công nghệ GIS, viễn thám… trở thành công cụ quan trọng giúp Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh có thêm nguồn thông tin tham khảo phục vụ công tác dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét và trượt lở đất đá. Theo kết quả điều tra, Yên Bái có 2.326 điểm trượt lở; 2.333 công trình và cụm công trình thủy lợi, trong đó có 133 hồ chứa, 2.166 đập dâng. Tỉnh có hơn 1.300 hộ dân cần sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, tập trung nhiều nhất ở các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Trước mỗi mùa mưa bão, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức rà soát, kiểm tra các công trình hồ chứa nước, tuyến đê, điểm xung yếu để lập bản đồ khoanh vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao; xây dựng phương án ứng phó rủi ro thiên tai theo từng cấp độ trên cơ sở dự báo từng loại hình thiên tai, đối với từng địa bàn cụ thể; chuẩn bị phương án di dời các hộ dân có nguy cơ cao đến khu vực an toàn khi thiên tai xảy ra.
Địa phương này tổ chức diễn tập ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương, cấp huyện, cấp xã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch và kịch bản phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai phù hợp với điều kiện thực tế; có phương án huy động nguồn nhân lực và cơ chế hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia ứng phó. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai ở mỗi cơ sở, gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành và lực lượng tham gia, nhất là lực lượng chuyên trách tại cơ sở.
Đến nay, tỉnh Yên Bái có 173/173 đơn vị hành chính cấp xã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, với hơn 13.000 người tham gia. Lực lượng tình nguyện viên huy động từ các sở, ban, ngành của tỉnh đến huyện, xã tham gia công tác này lên tới gần 63.000 người được duy trì hằng năm. Cùng đó, tỉnh đã quan tâm, đầu tư bổ sung phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phòng, chống thiên tai. Nhờ đó, Yên Bái đã có 27 ô tô các loại, 19 tàu, xuồng, 1 máy thu phát sóng ngắn, 1 tổ hợp truyền số liệu, 7 thiết bị định vị, 32 máy phát điện, 374 nhà bạt các loại, 4 thiết bị lọc nước, trên 11.000 áo phao cứu sinh, phao tròn, phao bè và nhiều trang thiết bị khác phục vụ công tác này.
Yên Bái đang nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ, trong đó có Đề án xây dựng và ban hành quy định chính sách về tổ chức; chính sách xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng phó sự cố thiên tai.
Thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát công tác khắc phục hậu quả do ảnh hưởng thiên tai năm 2023, phải hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2024, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi và công trình cơ sở hạ tầng khác; thực hiện tốt chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai, phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh, tiếp tục quán triệt và tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" đối với các vùng xảy ra thiên tai trên địa bàn.
Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo để có phương án chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ người, tài sản và công trình khi có sự cố xảy ra. Khẩn trương tổ chức các đoàn kiểm tra cấp xã về công tác phòng chống thiên tai năm 2024, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét các khu vực ven sông, suối và tuyên truyền, vận động những hộ dân chủ động di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án được duyệt. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin về dự báo thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng, tập trung tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai, các sự cố.
Đức Lâm
Bình luận