Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 13:11
Thứ năm, 01/08/2024 14:08
TMO - Các đợt mưa lớn diện rộng trong những ngày qua khiến một số huyện của thành phố Hà Nội như Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai bị ảnh hưởng, nhiều đoạn đê, đường giao thông nông thôn, nhà ở người dân, hoa màu... bị ngập nước. Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực triển khai công tác đáp ứng y tế trong và sau mưa lũ.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 29/7, toàn huyện Chương Mỹ còn 12/32 xã, thị trấn bị ngập, với gần 2.800 hộ bị ngập; huyện Quốc Oai có 4/21 xã bị ngập, với trên 400 hộ bị ngập. Để ứng phó với tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống lụt bão. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cũng đã tổ chức giám sát 17 xã, phường tại 9 quận, huyện có nguy cơ cao trước mùa bão lũ.
Tại huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% cho các xã, thị trấn bị ngập lụt để xử lý nguồn nước và môi trường. Ngoài ra, trung tâm còn phân công cán bộ giám sát 24/24 giờ và thành lập 4 đội cơ động để theo dõi, hỗ trợ các địa phương bị ngập.
Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cũng đã thống kê số lượng các sản phụ dự kiến sinh tại các xã bị ngập úng; phân công cán bộ y tế theo dõi sát tình trạng của các sản phụ, hướng dẫn di chuyển đến nhà người thân tại các vùng không bị ngập. Đồng thời, có phương án sẵn sàng phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện đưa các sản phụ đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời với các trường hợp phát sinh. Đặc biệt, tại xã Nam Phương Tiến có 3 thôn bị cô lập hoàn toàn, Trạm Y tế đã tổ chức cấp thuốc tại nhà cho người dân bị bệnh mạn tính và các bệnh khác như ngoài da, mắt, tiêu chảy.
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chương Mỹ ngập sâu sau mưa lớn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.
Tại huyện Quốc Oai, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát 10kg Cloramin B 25% cho các xã bị ngập và chỉ đạo các trạm y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh, hướng dẫn xử trí cho người bệnh tại vùng ngập.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế thành lập các tổ cấp cứu cơ động và đội phòng chống dịch cơ động. Tại huyện Chương Mỹ, 4 tổ cấp cứu cơ động đã được thành lập với đầy đủ thuốc men để phục vụ người dân vùng ngập úng. Đối với các vùng bị nước lũ cô lập hoàn toàn, các tổ cấp cứu sẽ đến tận nhà dân để triển khai công tác cấp cứu khi cần thiết.
CDC Hà Nội cũng đã thành lập 5 tổ chống dịch cơ động để hướng dẫn các trung tâm y tế và phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị Cloramin B 25% để vệ sinh môi trường khi nước rút, nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh. trong mùa mưa lũ người dân cần chú ý đến các bệnh về mắt, da liễu, tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh liên quan đến thực phẩm... Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đã thành lập 5 tổ cơ đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với các khu vực bị ngập úng...
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế thành lập các tổ cấp cứu cơ động và đội phòng chống dịch bệnh cơ động tại các địa phương.
Trước đó, trong chiều 31/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội họp khẩn bàn biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ lớn, úng ngập tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai tại một số huyện, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đi kiểm tra, yêu cầu các cấp chính quyền phải khẩn trương triển khai giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ lớn tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.
Theo đó, Ban Chỉ huy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ Thành phố đến cơ sở đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Thực hiện chỉ đạo trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã yêu cầu các thành viên bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cung cấp thông tin, báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy Thành phố trước 16h hằng ngày để tổng hợp báo cáo Thường trực Thành ủy chỉ đạo ngay.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, ngay từ đầu năm 2024, thành phố Hà Nội đã phê duyệt các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… cũng xây dựng và phê duyệt phương án của mình. Tuy nhiên, ở mỗi phương án, kịch bản về phòng, chống thiên tai lại dựa trên kinh nghiệm và tình hình mưa lũ hằng năm để xây dựng. Vì vậy, khi phát sinh tình huống thiên tai vượt dự báo, thiết kế thì hậu quả khó lường. Do vậy, các sở, ngành, địa phương phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo để ứng phó sát với thực tế nhất là khi lũ lụt đang diễn ra ở từng thời điểm
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, tiến hành ứng trực 24/24 để rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh; Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch "4 tại chỗ", kiên quyết không để sự cố vỡ đê trên địa bàn.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát, nắm bắt nhu cầu đời sống nhân dân để sớm trình Thành phố các cơ chế, chính sách giúp người dân vùng lũ, đặc biệt là các hộ khó khăn, hộ nghèo, neo đơn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các cấp phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh phong trào vận động, quyên góp để ủng hộ nhân dân nhu yếu phẩm thiết yếu…
Ngoài việc bảo đảm đời sống cho nhân dân, canh giữ chắc chắn đê kè, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, địa phương đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an ninh trật tự, không để các thành phần xấu lợi dụng, trục lợi, trộm cắp tài sản của nhân dân vùng lũ lụt. Công an thành phố Hà Nội phải nắm tình hình an ninh chính trị, tập trung tình hình an ninh nông thôn. Chủ tịch UBND Thành phố cũng lưu ý các huyện huy động các nguồn lực hỗ trợ, bảo đảm đời sống người dân nhất là vùng úng ngập sâu, tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, bùng phát dịch bệnh.../.
Đức Minh
Bình luận