Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 06:01
Thứ hai, 21/11/2022 08:11
TMO - Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nơi bờ sông, bờ biển bị nước xói lở làm mất đi diện tích sản xuất; nhiều khu vực dân cư bị uy hiếp... thực tế này đòi hỏi tỉnh Phú Yên cần tăng cường các giải pháp lâu dài trong bảo vệ bờ sông, bờ biển.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên, từ năm 2010 đến nay, sạt lở bờ sông, triều cường xâm thực bờ biển đã làm mất đi hàng trăm hecta đất ven sông, ven biển trên địa bàn toàn tỉnh. Hằng năm dòng chảy của sông Ba ảnh hưởng nghiêm trọng tại nhiều địa phương, nhiều nơi sông ăn sâu vào khu dân cư, uy hiếp hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông.
Nhiều khu vực ven biển do ảnh hưởng của sóng biển và triều cường xâm thực đã sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Triệu
Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, qua khảo sát hiện nay toàn tỉnh có 44 địa điểm, khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 90km. Riêng các sông lớn như sông Ba, Kỳ Lộ, Bàn Thạch, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Hiện có 17 địa điểm, khu vực dọc các sông này bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 65km. Còn đối với tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh cũng đáng báo động, hiện có 19 địa điểm, khu vực với tổng chiều dài sạt lở hơn 20km…
Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng, địa phương và người dân có đất sản xuất trong khu vực bị sạt lở dọc bờ sông Ba triển khai đóng cọc tre và dùng đá, bao tải đựng đất, cát đổ vào những vị trí bị sạt lở và trồng cây, nhất là trồng tre nhằm hạn chế sạt lở trên diện rộng. Về lâu dài, các giải pháp công trình được đẩy mạnh triển khai.
Tình trạng sạt lở bờ sông quanh khu vực dọc bờ sông Ba đoạn qua huyện Phú Hoà diễn biến nghiêm trọng. Ảnh: Hoài Luân
UBND tỉnh vừa qua đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án Xây dựng một số đoạn kè chống xói lở bờ hữu sông Bàn Thạch kết hợp với đường giao thông, đoạn từ cầu Bàn Thạch đi cầu Bến Lớn. Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm mục tiêu xây dựng một số đoạn kè chống xói lở bờ hữu sông Bàn Thạch kết hợp với đường giao thông, đoạn từ cầu Bàn Thạch đi cầu Bến Lớn nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ hữu sông Bàn Thạch tại khu vực từ cầu Bàn Thạch đến cầu Bến Lớn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Các công trình trên tuyến gồm: kè bê tông; bậc cấp lên xuống phục vụ dân sinh; 2 bãi đúc cấu kiện bê tông dọc theo tuyến kè; đường công vụ chạy dọc theo tuyến kè có chiều dài 2,1km, bề rộng mặt đường 5m.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai về tình hình thiên tai, thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khắc phục hậu quả do áp thấp nhiệt đới, Bão số 5, lũ, ngập lụt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề xuất 6 công trình hạ tầng thiết yếu cần được hỗ trợ khẩn cấp bao gồm kè biển thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) kinh phí 15 tỷ đồng; kè biển thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn, huyện Tuy An) 50 tỷ đồng; kè biển thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An) 55 tỷ đồng; kè chống sạt lở Khu tái định cư thôn Hảo Sơn Nam (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa) 5 tỷ đồng. TP. Tuy Hòa có 2 công trình với kinh phí mỗi công trình 10 tỷ đồng gồm kè bờ hữu sông Ba đoạn từ cầu Hùng Vương đến cầu Đà Rằng; khắc phục sạt lở Kè bờ hữu sông Ba đoạn từ cầu Hùng Vương đến cửa Đà Diễn.
Ngoài ra, Phú Yên đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư 40 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với tổng chiều dài gần 89km, tổng mức đầu tư khoảng 4.480 tỷ đồng. Trong 40 dự án cấp bách này, có 9 dự án được phân loại tình hình sạt lở là đặc biệt nguy hiểm…
Lê Hà
Bình luận