Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ tư, 20/04/2022 16:04
TMO - Quảng Ngãi là địa phương chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng thời tiết mưa lớn bất thường. Những trận mưa lớn đã gây ra áp lực đối với hệ thống thoát nước của thành phố, dẫn đến tình trạng ngập úng cực bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân cũng như chất lượng môi trường khu vực đô thị.
Trước tình trạng trên, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung phân tích những nguyên nhân và đề ra những giải pháp chống ngập úng hiệu quả cho đô thị tại thành phố Quảng Ngãi.
Thành phố hiện có khoảng 104km đường ống thoát nước và 6,5km tuyến kênh. Hiện tại, trong khu vực trung tâm thành phố có hồ điều hòa Bàu Cả (thoát nước ra sông Trà Khúc qua trạm bơm cưỡng bức) và hồ điều hòa Nghĩa Chánh. Hệ thống bơm tiêu úng đã phát huy hiệu quả trong những năm gần đây.
Trận mưa lớn cuối năm 2021 khiến nhiều tuyến đường tại TP Quảng Ngãi ngập sâu
Trận ngập lịch sử cuối năm 2021, và gần đây nhất là ngập do đợt mưa lớn vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022 đã làm ngập nhiều khu vực. Theo đó, thành phố đã nhận diện được 19 điểm ngập phân bố rải khắp 5 lưu vực thoát nước. Trong đó, có đến 12 điểm ngập và thường xuyên ngập sâu. Ngoài ra, còn có một số điểm ngập nước cục bộ tại một số khu dân cư hiện hữu trên địa bàn nội thành thành phố.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân gây ra đợt ngập lịch sử được cho là do lượng mưa kỷ lục cuối năm 2021 dẫn đến lưu lượng nước qua sông Bàu Giang tăng đột biến lên đến 250m3/s. Hệ thống thoát nước được xây dựng trước năm 2000 nhỏ và không đồng bộ, còn nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư thoát nước còn hạn hẹp.
Nhiều tuyến kênh thoát nước chính như kênh Bàu Sắt, kênh Bàu He, các hồ điều hòa Bàu Cả, Nghĩa Chánh bị bồi lắng, cỏ dại xâm lấn nhưng không được nạo vét, khơi thông làm giảm dung tích chứa, ảnh hưởng rất lớn đến đường chảy thoát nước từ khu vực nội thành ra các sông.
Bàn về giải pháp chống ngập cho khu vực đô thị, UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ bố trí nguồn kinh phí khoảng 120 tỷ đồng để khắc phục các điểm ngập cục bộ ở phía lưu vực thoát ra sông Trà Khúc; cải tạo các tuyến cống thoát nước và khơi thông các hồ điều hòa.
Lưu vực sông Bàu Giang đoạn chảy qua thành phố Quảng Ngãi cần được cải tạo để phục vụ mục tiêu thoát nước và phát triển đô thị
Theo kiến nghị từ Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng thành phố) giải pháp quan trọng là cần phải chỉnh trị sông Bàu Giang, tạo tuyến kè hai bên. Hiện tại, lưu lượng thoát nước của sông Bàu Giang kém. Cải tạo được sông Bàu Giang không chỉ làm đẹp đô thị mà còn giải quyết dứt điểm vấn đề ngập lụt của TP.Quảng Ngãi.
Hiện nay, thành phố Quảng Ngãi đang triển khai hực hiện lập quy hoạch điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu trung tâm TP Quảng Ngãi tỷ lệ 1/2000 trong quá trình lập quy hoạch điều chỉnh thành phố sẽ chỉ đạo kiểm tra, rà soát tổng thể để có giải pháp quy hoạch điều chỉnh, bổ sung các tuyến thoát nước chính cần thiết, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước chung của đô thị trung tâm.
Theo chính quyền TP Quảng Ngãi, địa phương đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp chống ngập như: Quy hoạch đường ống cống chủ yếu là bổ sung, cải tạo, nối thông các tuyến cống; Quy hoạch, bố trí mới 1 hồ điều phía Nam nhằm thu chứa nước tạm thời; đồng thời quy hoạch, bố trí trạm bơm cưỡng bức tại các vị trí dọc sông Bàu Giang…
Bên cạnh ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến thoát nước đối với các vị trí thường xuyên ngập, thành phố cũng sẽ lập kế hoạch đầu tư các tuyến trục tiêu thoát nước chính của nội thị kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước của các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn; đầu tư tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước trong không gian đô thị.
Đồng thời, triển khai thực hiện công tác nạo vét duy tu, bảo dưỡng các hồ điều hoà; kiểm tra, rà soát và tháo dỡ đối với các công trình xây lấn chiếm, vật che chắn, cầu cống tạm dọc các kênh, sông Bàu Giang...để khơi thông dòng chảy. Khai thông mở rộng các dòng chảy hiện hữu, gắn kết các khu vực trũng thấp, tăng cường công viên cây xanh cảnh quan dọc sông tạo thành hệ thống mặt nước, cây xanh liên hoàn trong đô thị.
Vân Khánh
Bình luận