Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 19:11
Chủ nhật, 16/07/2023 06:07
TMO - Tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, quản lý chất thải phát sinh và tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc thực hiện nhiều giải pháp thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường khoảng 290 tấn. Hiện tại 9/10 huyện, thành phố có bãi xử lý chất thải rắn tập trung với tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt khoảng 86%. Tuy nhiên, hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp; việc chôn lấp tại một số bãi rác chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường. Tại một số khu vực nông thôn chưa có đội thu gom hoặc thu gom rác thải chưa thường xuyên, hầu hết chất thải sinh hoạt do người dân tự thu gom, xử lý gây ra ô nhiễm môi trường cục bộ.
Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh và được thu gom với khối lượng khoảng 1.298,3tấn/năm, được xử lý bằng phương pháp tái chế tại chỗ. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp tại các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn diễn ra tự phát, chưa được quản lý chung.
Đến nay, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom đạt trên 85%, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 83,33%; tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 64,3%.
Tỉnh Kon Tum triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.
Để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, tỉnh Kon Tum đã triển khai lộ trình và giải pháp xử lý rác thải, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2025, có 90% rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, trong thời gian qua diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng, mức độ nguy hiểm, bất thường và có xu hướng cực đoan hơn; trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét, hạn hán... gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, đe dọa đến tính mạng và nguy cơ mất an toàn cho các công trình cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023 thiên tai đã làm hư hỏng, tốc mái 119 nhà; diện tích cây trồng (lúa, cao su, chanh dây, hoa màu, ngô) bị hư hại, ngã đỗ khoảng 179,56ha; một số công trình cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, trụ sở làm việc, trường học bị sập tường rào, tốc mái, đổ gãy một số cây xanh... Ước giá trị thiệt hại khoảng là 8,389 tỷ đồng. Theo thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra nhiều trận động đất, trong 6 tháng đầu năm 2023, tại huyện Kon Plông và vùng lân cận, đã xảy ra 125 trận động đất.
Kon Tum đã sớm đưa ra nhiều giải ứng phó với biến đổi khí hậu trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Kon Tum. Hiện nay, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững cũng đã cơ bản được cải thiện rõ rêt. Tỉnh đã cập nhật, bổ sung kịch bản kiến đổi khí hậu và xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn toàn tỉnh bên cạnh việc nâng cao nhận thức của cộng đồng ứng phó với thiên tai có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo đó, đối với công tác bảo vệ môi trường: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, cụ thể hóa trách nhiệm của địa phương, làm cơ sở thực hiện công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo diễn biến chất lượng của môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.
Quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là về thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn theo quy định. Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí....). Tiếp tục rà soát các đơn vị sản xuất kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) để yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định. Tiếp tục phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong bảo vệ môi trường; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, người dân trong công tác bảo vệ môi trường….
Việc chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó, giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu nhất là thiên tai được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Đối với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu: Các ngành chức năng, địa phương tiếp tục hoàn thiện bộ máy chỉ đạo, điều hành và quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước các tác động do biến đổi khí hậu; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đa mục tiêu đang triển khai; rà soát, đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi hiện có, xây dựng mới các công trình thủy lợi để cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, nâng cao mức an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai, an toàn hồ, đập bằng các công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, ưu tiên các giải pháp phi công trình. Chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.
Để vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, Kon Tum còn nhiều việc phải làm trong đó đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững luôn là nhiệm vụ then chốt, mang tính chiến lược.
Hà Thu
Bình luận