Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 03/11/2024 01:11
Thứ bảy, 28/10/2023 11:10
TMO - Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường khu vực nông thôn nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhưng đã được tỉnh, các cấp, các ngành, người dân khắc phục. Để đảm bảo các tiêu chí về môi trường tỉnh tập trung đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung tại các huyện; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt thôn, bản, xã; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung, quy mô cấp xã, cấp huyện và liên huyện, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tình hình phát sinh và xử lý chất thải, tổng lượng chất rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 197.908,3 tấn/năm. Trong đó, có 59,5 tấn chất thải nguy hại; 74.628,2 tấn chất thải rắn sinh hoạt thông thường; 109,3 tấn chất thải rắn y tế; 123.111,3 tấn chất thải rắn công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 08/08 huyện, thành phố được đầu tư công trình kết cấu hạ tầng và lò đốt rác thải sinh hoạt. Qua đó, cơ bản giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Thu gom rác thải nông nghiệp, trong đó có bao bì thuốc BVTV được các địa phương tại tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, thống kê của ngành chức năng tỉnh cho biết, hằng năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ước tính thải ra môi trường khoảng 3.500kg vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Năm 2022, tổng số lượng vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom khoảng 1.500kg, còn lại khoảng 2.000kg chưa được thu gom. Công tác xử lý vỏ, bao gói thuốc BVTV tại các bể chứa, thùng chứa gặp nhiều khó khăn, người dân vẫn chủ yếu tiêu hủy bằng biện pháp đốt, không đảm bảo an toàn.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chủ trương lồng ghép, huy động nhiều nguồn vốn từ các chương trình khác nhau để từng bước đầu tư hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2016-2022 đã mang lại những kết quả thiết thực, giải quyết vấn đề nhu cầu nước sinh hoạt, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn. Sau sáu năm triển khai, số đấu nối nước sạch mới là 12.301, trong đó 5.558 số đấu nối nước bền vững; xây mới 161 công trình nước sinh hoạt nông thôn; giúp tỷ lệ người dân nông thôn được đầu tư sử dụng nước sạch theo quy chuẩn tăng từ hơn 23% lên hơn 44%...
Bắc Kạn hiện có 661 công trình nước sinh hoạt tập trung với hơn 25.600 hộ hưởng lợi; hơn 98% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; hơn 42% hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam; hơn 95% hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỉnh đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin công trình cấp nước tập trung nông thôn và Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh hằng năm.
Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bắc Kạn, đến nay, toàn tỉnh có 286 công trình sử dụng nhưng không hiệu quả, chiếm tỷ lệ 40,7%; có 114 công trình không sử dụng được, chiếm tỷ lệ 16,3% Ðể giải quyết tình trạng trên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các địa phương, ngành chuyên môn xây dựng phương án quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch theo hướng tất cả các công trình đều phải thu tiền sử dụng nước để người dân có ý thức, trách nhiệm.
Bảo vệ cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới trở thành hoạt động thường xuyên tại các địa phương.
Thời gian qua, tại các huyện trên địa bàn tỉnh phong trào bảo vệ môi trường như dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh; đẩy mạnh thực hiện phong trào “3 sạch” của Hội Phụ nữ các cấp đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Nhiều gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang triển khai thực hiện trên 70 mô hình ở khu dân cư như mô hình “Vệ sinh môi trường khu dân cư”; mô hình “Khu dân cư tự quản đảm bảo môi trường; mô hình “Con đường tự quản”; mô hình “Làng sức khỏe”; mô hình “Bảo vệ môi trường, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, vệ sinh đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp”; mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường, gắn với biến đổi khí hậu”... Trong giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bắc Kạn phấn đấu có 77 xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 17 (Môi trường và an toàn thực phẩm), đến hết năm 2022 có 31 xã đạt tiêu chí này, mục tiêu đến hết năm 2023 phấn đấu có thêm 46 xã đạt tiêu chí số 17.
Đức Hải
Bình luận