Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 22:01
Thứ hai, 17/06/2024 19:06
TMO – Doanh thu của ngành vật liệu xây dựng hàng năm ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11 % GDP. Hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng thời gian qua đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Sản lượng xi măng, gạch ốp lát của Việt Nam thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới, riêng sản xuất thép thô hiện đứng đầu khu vực ASEAN. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN.
Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành VLXD xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia. Các nhà máy VLXD, xi măng, sắt thép Việt Nam ngày càng được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu, khắc phục tình trạng thiếu VLXD, xi măng, sắt thép trong xây dựng thời kỳ trước năm 2010.
Tại Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng vừa được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp, đội ngũ nhân lực sáng tạo, những người hoạt động trong ngành xi măng, sắt thép, VLXD.
(Ảnh minh họa)
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua, nhất là Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện Chiến lược phát triển xi măng, sắt thép, VLXD của Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ xi măng, sắt thép, VLXD còn có những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cơ chế, chính sách còn khoảng cách so với thực tiễn, phản ứng chính sách có lúc, có nơi còn chậm. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất VLXD ứng dụng khoa học công nghệ chưa được ban hành kịp thời.
Đối với sản xuất, chi phí nhiên liệu than, điện tăng; khí hóa than tăng, dầu FO, khí tự nhiên hóa lỏng (CNG), khí gas hóa lỏng (LPG) trong thời gian qua có biến động. Nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng, VLXD còn có bất cập. Ngành thép năng lực sản xuất còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt trong sản xuất thép thô. Ngoại trừ một số khu liên hợp công nghệ khép kín, phần lớn các đơn vị sản xuất còn lại sử dụng công nghệ còn hạn chế. Sức ép bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu tăng. Cam kết giảm phát thải tại Hội nghị COP26 dẫn đến yêu cầu các nhà sản xuất VLXD, đặc biệt là xi măng phải đầu tư các hạng mục liên quan đến xử lý khí thải, giảm thiểu CO2 làm tăng chi phí sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định thời gian tới, để ngành xi măng, sắt thép, VLXD phát triển bền vững, phát huy hiệu quả và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2024, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vật liệu phát triển nhanh, bền vững, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, kịp thời phản ứng chính sách với các vấn đề nổi lên, những khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển ngành xi măng, sắt thép, VLXD phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm sút, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; khai thác sử dụng tiết kiệm khoáng sản; áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất; sản xuất xanh, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất VLXD, xi măng, sắt thép.
Cùng với đó, tăng tỉ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, đồng thời sử dụng nguồn xi măng trong nước. Tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; có rào cản kỹ thuật để giảm nhập khẩu, nâng cao chất lượng, tạo cạnh tranh tốt hơn.
LÊ HÙNG
Bình luận