Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 20:11
Thứ năm, 18/08/2022 11:08
TMO - Than sinh học được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Nguồn nguyên liệu này rất dồi dào với khoảng trên 120 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguyên liệu này vẫn chưa được khai thác triệt để.
Theo giới chuyên gia, việc ứng dụng than sinh học sẽ giúp hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020”, cùng với đó là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam, chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và than sinh học có giá trị cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đang thí điểm triển khai dự án sản xuất than sinh học từ cây lục bình.
Than sinh học với đặc tính như một bể chứa carbon tự nhiên giúp cô lập và giữ khí CO2 trong đất và đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Khi chôn dưới đất, sau phân hủy sẽ cho ra một loại phân bón hữu cơ, đây là một loại phân bón tốt và thân thiện môi trường. Ngoài ra, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng hoặc có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi gia cầm.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất than sinh học rất phong phú như (xương động vật, vỏ cua, vỏ ốc hến, tro bếp, xác của các loại động thực vật, các loại cây thủy sinh (tảo, bèo..), vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ đậu phụng, bã mía, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, cùng rất nhiều các chất thải xanh khác…với giá thành rất rẻ. Theo các chuyên gia, nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú này không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu dựa trên yếu tố cạnh tranh về chi phí.
Gần đây, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đang được thực hiện khi chất thải sinh khối đang được định giá để sản xuất năng lượng cũng như giảm thiểu chất thải và phát thải khí nhà kính. Chất thải nông nghiệp, được tạo ra với số lượng lớn là một nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất khí sinh học. Các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng một mô hình sinh thái mới kết hợp việc sử dụng than sinh học vào quá trình phân hủy kỵ khí có thể giải quyết vấn đề có nhiều tài nguyên sinh khối nhưng tỷ lệ sử dụng thấp. Sự kết hợp than sinh học và cặn khí sinh học giúp thúc đẩy tăng trưởng cây trồng, tăng năng suất cây trồng và tăng lợi ích kinh tế.
Lan Hương
Bình luận