Hotline: 0941068156
Thứ ba, 04/02/2025 17:02
Thứ hai, 03/02/2025 13:02
TMO - Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác này.
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là 1 trong 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, tạo tiền đề giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương trên toàn tỉnh tham gia phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm; tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống bình quân của hộ, giúp hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với hơn 52% là người Khmer và 17% người Hoa, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao thời gian qua, thị xã Vĩnh Châu, đã ưu tiên triển khai các mô hình đào tạo nghề ngắn hạn, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo ở địa phương.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu cho biết, trong năm 2024, Trung tâm đã tổ chức 85 lớp dạy nghề cho 1.377 học viên; số lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ là 1.377/1.000, đạt 137,7% chỉ tiêu; đồng thời, tư vấn, giới thiệu việc làm và tự tìm việc làm cho 3.680/2.400 lao động, đạt 153,33%.
Tổ đan đát của phụ nữ ở khóm Kinh Ven, thị xã Vĩnh Châu được duy trì với thu nhập ổn định.
Chị Trần Thị Năm (37 tuổi, trú tại khóm Kinh Ven, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ, từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề theo mô hình đan đát, gia đình đã có thêm thu nhập, giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn. Hiện, Tổ đan đát của phụ nữ ở khóm Kinh Ven được duy trì với thu nhập trung bình một người từ 80.000-100.000 đồng/ngày. Nghề đan đã gắn bó với người dân nơi đây mấy năm qua.
Cũng được hỗ trợ nhờ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, anh Trần Văn Thái (50 tuổi, trú tại khóm Kinh Ven, thị xã Vĩnh Châu) được chính quyền địa phương cho đi học kiến thức về kỹ thuật nuôi dê và được hỗ trợ 6 con dê giống. Đến thời điểm hiện tại, đàn dê của gia đình anh Mận phát triển tốt, đồng thời đã tăng lên thành 9 con, từ đó giúp gia đình anh có thêm thu nhập từ chăn nuôi.
Với việc triển khai các mô hình sinh kế phù hợp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu giảm dần qua các năm. Cụ thể, thị xã hiện chỉ còn 1.418 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,35%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) là 1.034 hộ; hộ cận nghèo là 5.150 hộ, chiếm tỷ lệ 12,17%, trong đó hộ cận nghèo DTTS là 3.701 hộ.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ đạt hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh hơn công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, góp phần tạo đà nâng cao đời sống của bà con và cũng là tiền đề cho Vĩnh Châu phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.
Các hộ dân được hỗ trợ về cây giống, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất.
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm. Từ năm 2022 đến nay, UBND xã Vĩnh Quới đã triển khai thực hiện các mô hình, như: chăn nuôi vịt xiêm Pháp, chăn nuôi gà và nuôi heo thịt cho 82 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã, với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. Qua kiểm tra, giám sát tình hình phát triển các mô hình chăn nuôi tại địa phương, mỗi hộ dân khi nhận con giống đều siêng năng chăm sóc, con giống ít hao tốn, khi xuất đàn, bà con thu về trên 20 triệu đồng/hộ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa sinh kế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên. Riêng trong năm 2024, xã Thuận Hòa đã bàn giao được 22 con bò sinh sản cho 11 hộ thuộc dự án. Mỗi hộ nhận 2 con bò cái sinh sản, mỗi con có trọng lượng từ 180kg trở lên và mỗi hộ còn được nhận thêm 238kg thức ăn.
Là một trong những hộ nghèo được nhận hỗ trợ bò sinh sản từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, anh Bùi Sáu ở ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa cho biết: Gia đình được nhận 2 con bò cái sinh sản, trị giá 32 triệu đồng. Sau khi nhận bò về, chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y để bò có thể phát triển tốt.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, ngay từ đầu năm 2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng ngân sách là trên 114 tỷ đồng. Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay toàn tỉnh còn lại 4.484 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% (giảm 4.042 hộ so với năm 2023, tương đương giảm 1,2%), hộ cận nghèo còn 17.084 hộ, chiếm tỷ lệ 5,10% (giảm 4.569 hộ so với năm 2023).
Năm 2025, Sở tiếp tục tham mưa cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các nguồn lực để giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tỉnh đặt mục tiêu cụ thể, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,5%, lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 45,9%, lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 84,5%. Đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,1%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo Khmer giảm 0,2%/năm.
Lê Hạnh
Bình luận