Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 07:01
Chủ nhật, 07/01/2024 13:01
TMO – Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hoá theo lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Năm 2023, các đơn vị, địa phương đã tích cực chủ động triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng và đạt được nhiều kết quả tích cực.Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp và dự báo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ... đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó có các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
Do đó, để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý như: thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm,... đặc biệt đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và sức khoẻ người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 an toàn, vui tươi, khỏe mạnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới theo các Chương trình, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế và Ban chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố.
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, buôn bán thực phẩm.
Căn cứ tình hình thực tế, đặc thù tại địa phương, đơn vị và chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hoá theo lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Trước mắt ưu tiên tập trung việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhiều trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Lễ hội Xuân 2024. Phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến các quy định, kiến thức về phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, việc quảng cáo làm sai lệch bản chất sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, kịp thời cảnh báo nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Bộ Y tế cũng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Kịp thời đưa tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để mọi người dân biết. Nếu phát hiện hành vi nghi ngờ có dấu hiệu của tội phạm, đề nghị chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định; báo cáo kết quả đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 về Thanh tra của Bộ này.
Trước đó, tại Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời vaccine, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật… theo quy định cho các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho Nhân dân vui Xuân đón Tết.
Bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, tránh trình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Đối với ngành y tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mùa Đông - Xuân, dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có khả năng xâm nhập vào nước ta. Theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây, bùng phát lan rộng trong cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vaccine, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ. Chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị…; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, giám sát chặt chẽ, bảo đảm công tác an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
LÊ HÙNG
Bình luận