Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 19:11
Thứ tư, 07/08/2024 08:08
TMO – Liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất đá gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó, tác động từ con người được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số vụ sạt lở đất trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 8/2024, thiên tai làm 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Mới đây nhất, sáng ngày 4/8, xảy ra vụ sạt lở đất ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn khiến 2 vợ chồng thiệt mạng. Sáng 5/8, lại thêm 2 vụ sạt lở đất, 1 vụ ở huyện Bắc Yên, Sơn La làm 1 thiệt mạng, 2 người bị thương và 1 vụ ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương.
Khối đất đá lớn sạt lở, vùi lấp khiến giao thông bị ngưng trệ.
Sạt lở đất do đâu?
Theo các chuyên gia, sạt lở đất bắt nguồn từ những tác động của ngoại lực vào khối đất đá trên mái dốc, đỉnh đồi làm đất đá vỡ ra và lăn xuống với vận tốc lớn. Ngoại lực này thường đến từ những cơn mưa lớn, tuyết tan, động đất hay vỡ đập thủy điện. Lượng nước lớn đổ xuống khu vực sẽ làm phân rã các mối liên kết của đất đá và rễ cây, thảm thực vật gây ra sạt lở đất. Hiện nay, đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức. Các công trình dân sinh dưới chân núi ảnh hưởng tới địa tầng. Kết hợp cùng các cơn bão dữ dội, tình trạng sạt lở đất ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Sạt lở đất thường xảy ra dựa trên 3 yếu tố chính: Địa chất; hình thái, cấu trúc đất và hoạt động của con người trên khu vực đó. Với yếu tố về địa chất: Sạt lở đất mang theo đất đá trượt xuống sườn đồi. Vì vậy, yếu tố đầu tiên cần khảo sát là địa chất khu vực. Tại vùng có địa hình yếu, bị đứt gãy thường dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết gây nên sạt lở đất.
Với yếu tố về hình thái, cấu trúc đất: Một khu vực sẽ có các tầng địa chất khác nhau. Cấu trúc đất đá, thảm thực vật của vùng đó quyết định hiện trạng, hình thái khu vực. Ví dụ vùng rừng nguyên sinh sẽ có thảm thực vật và cây cổ thụ lớn giúp giữ cấu trúc đất tốt hơn trong các trường hợp mưa lớn hay động đất cường độ nhỏ, ảnh hưởng tới địa tầng.
Với yếu tố về hoạt động của con người: Hoạt động của con người ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống. Việc phát triển nông nghiệp bừa bãi, không theo quy hoạch, khai thác tài nguyên rừng quá mức, không phù hợp hay nạn phá rừng sẽ tiềm ẩn những hậu quả khôn lường. Đặc biệt, các công trình công nghiệp, dân dụng trên triền núi, triền dốc trực tiếp làm suy yếu cấu trúc đất, dễ dẫn tới sạt lở trong tương lai. Chính vì vậy, trước khi xây dựng, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước hay phát triển nông nghiệp, cần có những tính toán cụ thể để đảm bảo an toàn và tính mạng cho người và của.
Giải pháp ngăn chặn?
Để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất đá và thiệt hại, đã có nhiều giải pháp được triển khai, như tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm, tiến hành khảo sát địa chất, lập bản đồ các khu vực dễ bị sạt lở đất và thực hiện các quy định về quy hoạch sử dụng đất để kiểm soát việc xây dựng ở các khu vực có nguy cơ cao. Ngoài ra, việc thúc đẩy trồng rừng, tái trồng rừng và kiểm soát xói mòn đất cũng là các giải pháp quan trọng đã được triển khai.
Tuy nhiên, sạt lở đất đá ở mỗi khu vực có những đặc thù và nguyên nhân khác nhau, nhìn chung là do mưa lớn kết hợp với điều kiện địa hình và tự nhiên của địa phương. Trong số các giải pháp nêu trên, việc phòng chống và giảm thiểu sạt lở đất đá dựa vào tự nhiên là giải pháp thực tế có tính khả thi cao và bền vững bởi giải pháp này chính là cách tiếp cận mà con người có thể tham gia trước hoặc sau khi thảm họa xảy ra, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại. Thông qua việc bảo tồn, cải thiện và sử dụng bền vững hệ sinh thái và các dịch vụ, ý tưởng về các giải pháp dựa vào thiên nhiên đã được đánh giá là một cách tiếp cận phù hợp nhằm cải thiện khả năng phục hồi sinh thái xã hội, giảm tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, và nâng cao sinh kế.
Các giải pháp phòng chống sạt lở đất dựa vào tự nhiên liên quan đến việc sử dụng các phương pháp sinh thái và thân thiện với môi trường để giảm nguy cơ sạt lở đất. Trong cách tiếp cận dựa vào tự nhiên, các kỹ thuật môi trường, sinh học và trồng rừng là những kỹ thuật chính. Trong đó, giải pháp tăng cường thảm thực vật phù hợp là giải pháp chính, kết hợp với các kỹ thuật sinh học sẽ gia tăng kết dính đất và giảm nguy cơ sạt lở đất đá.
Cụ thể, một số nhóm giải pháp dựa vào tự nhiên phổ biến để phòng chống sạt lở đất có thể kể đến như: Trồng rừng và tái trồng rừng, quản lý thảm thực vật, xây dựng ruộng bậc thang, áp dụng kỹ thuật sinh học đất, quản lý và sử dụng hệ thống thoát nước, lắp đặt các biện pháp vật lý như gia cố mái dốc,… Điều quan trọng cần lưu ý là hiệu quả của các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của khu vực dễ bị sạt lở đất, bao gồm thành phần đất, khí hậu và địa hình.
Một giải pháp nữa không thể thiếu nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra là tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Về lâu dài, cần ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ cho các địa phương hoàn thành sớm kế hoạch di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đẩy nhanh tiến độ các chương trình di dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng, di dân tái định cư, chương trình hỗ trợ người nghèo, phân vùng và xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các bộ, ngành trung ương cần hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn; rà soát quy hoạch sử dụng đất lồng ghép với yêu cầu phòng, chống thiên tai và chú ý ưu tiên thích đáng đất ở, đất canh tác cho các hộ tái định cư khi phải di dời khỏi nơi ở cũ thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng.
Trong số các giải pháp đưa ra nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tối đa tình trạng sạt lở đất, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc cần khai thác, sử dụng tài nguyên rừng hợp lý, đúng khoa học, tránh tình trạng xâm lấn rừng một cách thô bạo bởi các công trình xây dựng dẫn đến rừng bị suy giảm khả năng bảo vệ, mất dần sức ‘đề kháng’ khi xuất hiện mưa lớn kéo dài.
BÙI HOÀNG
Bình luận