Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ ba, 27/08/2024 08:08
TMO - Những ngày gần đây, do đang ở thời điểm mùa mưa và triều cường dâng cao, gây nên tình trạng sạt lở bờ sông ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra 4 vụ sạt lở (2 vụ việc sạt lở tiếp diễn và 2 vụ việc phát sinh mới). Cụ thể, sạt lở bờ sông tại khu vực ấp Khánh Hội Đông, thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành với chiều dài 110m, sâu vào đất liền 5 m, làm ảnh hưởng đến 396 hộ dân. Sạt lở làm ảnh hưởng đến trục đường giao thông liên xã (đường ĐX.04, hiện tại đã cắt giao thông) và khoảng 300 m về phía cầu Khánh Hội đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Đây là tuyến đê bao và đường giao thông huyết mạch của cồn Khánh Hội, gồm 2 ấp Khánh Hội Đông, Khánh Hội Tây, với 1.200 hộ dân. Hiện UBND thị trấn Tiên Thủy tiến hành rào chắn 2 bên đầu bờ bao đoạn qua khu vực này, đồng thời cắm biển báo nguy hiểm không cho các phương tiện lưu thông.
Tại thị trấn Tiên Thủy trên địa bàn có 8 vị trí sạt lở; trong đó, có 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng. UBND thị trấn đã đề nghị nguồn vốn khẩn cấp của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre để gia cố sạt lở bờ sông tại khu vực ấp Khánh Hội Đông, thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Ngoài khu vực trên, tại bờ sông Giao Hòa, ấp Hòa Hưng Thạnh, xã Giao Long, huyện Châu Thành cũng đã xảy ra sạt lở bờ sông chiều dài 130m (thuộc phạm vi Cống Âu thuyền An Hóa - dự án JICA3), ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 4 hộ dân, khoảng 4 ha đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông (đường ĐH.30, hiện tại đã cắt giao thông), trụ điện, cáp viễn thông... và đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành. Ảnh: ĐH.
Ngoài ra, tại bờ sông Mỏ Cày, ấp Tân Phước, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, sạt lở làm ảnh hưởng đến nhà ở, công trình kè của 2 hộ dân. Tại khu vực cồn Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, sạt lở bờ bao dài 35m, sâu vào đất liền 15m. Theo ngành chức năng địa phương, các vụ sạt lở trên nguyên nhân là do lòng sông sâu, do nước chảy xiết, kết hợp với dòng chảy gây ra sạt lở.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã đến hiện trường thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân dọn dẹp, di dời tài sản. Đồng thời, thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Ngành chức năng tuyên truyền, cảnh báo người dân tránh để xảy ra tai nạn, cắt giao thông đối với các điểm sạt lở có ảnh hưởng đến đường đường giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Bến Tre là một tỉnh ven biển có đường dài bờ biển hơn 65km và được bao bọc, bồi đắp phù sa từ bốn con sông lớn với tổng chiều dài khoảng 300km; ngoài ra, toàn tỉnh còn có 46 kênh rạch chính nối các sông lớn thành một mạng lưới chằng chịt với tổng chiều dài hơn 2.367km. Với đặc điểm địa hình như vậy, tỉnh Bến Tre thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như: xâm nhập mặn, triều cường, nhất là tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, trong khoảng 10 năm gần đây, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh nhất là đối với 3 huyện ven biển Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại.
Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km. Đáng chú ý, sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 115 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân trong khu vực sạt lở; sạt lở bờ biển 8 điểm, với tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.
Hiện nay, tỉnh còn khoảng 13 km bờ sông và 8,5 km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng. Những khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng như: sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn: cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đồng thời, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động, tích cực của các ngành, các cấp địa phương và người dân triển khai thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư,... để xử lý, khắc phục khi xảy ra tình huống sạt lở, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trước thực tế này, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển, trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực tham gia, phối hợp của các ngành, các cấp địa phương và sự đồng tình, ủng hộ của người dân, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" để kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách khi có tình huống sạt lở. Thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp phi công trình và công trình.
Các sở, ngành địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục, giảm thiệt hại do sạt lở bờ sông.
Các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển trong giai đoạn đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Kế hoạch số 2338/KH-UBND ngày 4-5-2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 4341/BNN-ĐĐ ngày 18-6-2024 về việc tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030...
Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng lòng, bờ, bãi sông và bờ biển. Đặc biệt, khai thác cát, sỏi trái phép ở lòng sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Quan trắc tại các khu vực đang có diễn biến sạt lở làm cơ sở đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở để có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, rà soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng) quản lý chặt chẽ việc sử dụng và phát triển rừng ngập mặn gắn với ổn định sinh kế của người dân. Kiểm soát, ngăn ngừa có hiệu quả các hoạt động sinh kế làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương triển khai thực hiện các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển do đơn vị làm chủ đầu tư để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đánh giá, lựa chọn giải pháp kỹ thuật phù hợp áp dụng cho dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, đảm bảo công trình ổn định lâu dài. Đặc biệt, trong điều kiện sóng, gió lớn theo tầng suất thiết kế và môi trường khu vực công trình bị xâm thực, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh các tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở đối với khu vực lân cận, đối diện và suy giảm khả năng thoát lũ của lòng dẫn. Đồng thời, tổ chức quan trắc, đánh giá ổn định và hiệu quả các công trình sau khi được đầu tư đưa vào sử dụng.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục rà soát các công trình thủy lợi, các tuyến đê sông, bờ bao được giao quản lý, tổ chức cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, có phương án xử lý, khắc phục sạt lở.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các nguồn vốn để thực hiện xử lý, khắc phục sạt lở thuộc trách nhiệm giải quyết của tỉnh, nhất là tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức trong và ngoài nước. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để tự khắc phục các điểm sạt lở khẩn cấp, đảm bảo đúng quy định. Chú trọng lồng ghép các nội dung phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển vào các chương trình, đề án, dự án có liên quan đang được triển khai thực hiện (nếu có).
UBND các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bổ sung vào Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18-5-2022 làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Về chính sách hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư đối với các vùng sạt lở bờ sông, sạt lở bờ biển, sạt lở kênh rạch, sụt lún đất, lốc xoáy, ngập lụt trên địa bàn tỉnh Bến Tre được thực hiện theo Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 24-4-2024 của HĐND tỉnh. Chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan và cấp xã thực hiện tốt Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển theo Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 4-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, tổ chức rà soát các điểm sạt lở tại địa phương, thực hiện việc đánh giá phân loại mức độ sạt lở, thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở; cắm biển cảnh báo sạt lở; tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống tại những khu vực đang có diễn biến sạt lở, nhất là những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản.../.
Lê Tuấn
Bình luận