Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 11:11
Thứ năm, 09/05/2024 08:05
TMO - Sản xuất nông nghiệp chịu tác động của biến đổi khí hậu, điển hình là khô hạn, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó nên ngành không bị ảnh hưởng nhiều ở vụ Đông Xuân, nhưng những tác động trên khả năng kéo dài làm ảnh hưởng tới vụ Hè Thu.
Tình hình sản xuất lúa gạo 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã đạt 13,44 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ xuất được trên 8 triệu tấn gạo. Về chăn nuôi, với quy mô trên 28,6 triệu con lợn, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng 3,7%; đàn gia cầm là 558 triệu con, tăng 2,2%. Tổng sản lượng thịt, trứng, sữa đều tăng trưởng khá. Lĩnh vực thủy sản có tổng sản lượng đạt 2,74 triệu tấn, tăng 2,5%. Về lâm nghiệp, khai thác gỗ khoảng 9 triệu m3, tăng khoảng 3%. Nguồn nguyên liệu trên cơ bản đáp ứng đủ cho chế biến xuất khẩu. Về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt giá trị xuất siêu đạt 4,74 tỷ USD, tăng 71,5% và chiếm trên 50% giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế.
Theo đó, xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi tăng 33,3%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,1%, tăng 25,7%; Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.
Thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa.
Cơ cấu thị trường cho thấy, xúc tiến thương mại đang có kết quả tích cực theo hướng chất lượng cao và sản phẩm truy xuất được nguồn gốc theo chuỗi. Qua đó cũng cho thấy, sau nhiều năm tái cơ cấu, các ngành hàng đang đi vào chiều sâu theo chuỗi từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói và truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo kinh tế tuần hoàn. Thời gian qua, thị trường có những khó khăn nhưng cũng có thuận lợi. Chẳng hạn như khó khăn ở các nước châu Âu, xung đột giữa Nga – Ukraine… làm khó khăn khi phải nhập khẩu nguyên liệu nhưng cũng là thời cơ Việt Nam tiếp tục xuất khẩu nông sản ở quy mô lớn hơn, giá trị cao hơn và nhiều khu vực dư địa lớn hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2024, kết quả sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn rất tốt. Từ đầu năm, sản xuất nông nghiệp chịu tác động của biến đổi khí hậu, điển hình là khô hạn, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó nên ngành không bị ảnh hưởng nhiều ở vụ Đông Xuân, nhưng những tác động trên khả năng kéo dài làm ảnh hưởng tới vụ Hè Thu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, giữa tháng 5/2024 vẫn còn đợt hạn mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên nhẹ hơn so với tháng 4.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến sản xuất nông nghiệp?
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt... mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Theo các chuyên gia, nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ đông có xu hướng tăng ở Đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.
Với tài nguyên rừng và hệ sinh thái: Thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng bị suy thoái trầm trọng: Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặt ven biển tác động xấu đến hệ sinh thái rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở đồng bằng sông Cửu Long; Nhiệt độ và lượng nước bốc hơi tăng làm hạn hán kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng của các loài thực vật và động vật rừng.
Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp.
Đối với ngành Thủy sản: Việt Nam hiện có khoảng gần 500.000 người trực tiếp tham gia vào đánh bắt hải sản; 100.000 người làm việc ở ngành chế biến thủy sản và khoảng 2.140.000 người tham gia vào các dịch vụ nghề cá. Các sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, ngành nông nghiệp cần chủ động đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.
LÝ LAN
Bình luận