Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 11:11
Thứ hai, 28/08/2023 18:08
TMO - Với diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có các hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Đây là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động thực vật hoang dã có giá trị kinh tế, khoa học. Đóng góp nhiều giá trị to lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống dân cư địa phương cũng như vùng lân cận.
Trong văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. HCM đề cử rừng phòng hộ huyện Cần Giờ thành khu Ramsar bởi đã đáp ứng 4/8 tiêu chí đề cử khu Ramsar. Cụ thể, theo hồ sơ, rừng Cần Giờ đáp ứng tiêu chí 1 (Chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc gần với tự nhiên trong vùng địa lý sinh học đặc biệt. Với 35 loại thực vật ngập mặn được ghi nhận, rừng Cần Giờ là nơi gần như có đầy đủ các thành phần loài thực vật ngập mặn thực thụ trong cả nước (Rừng ngập mặn Việt Nam hiện có 37 lọai thực vật ngập mặn). Các nhà khoa học đánh giá, rừng ngập mặn Cần Giờ là một hệ sinh thái hỗn giao tự nhiên bao gồm hầu hết các loài cây rừng ngập mặn "thực thụ" và loài "gia nhập". Điều này giúp tạo nên sự đa dạng sinh học và di sản các hệ thống tự nhiên cho tương lai.
(Ảnh minh họa)
Tiêu chí 2 (Cần Giờ nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp, hoặc sắp nguy cấp, các quần xã sinh thái đang bị đe dọa, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Trong tổng số 316 loài thực vật được ghi nhận ở Cần Giờ thì có tới 108 loài được đánh giá mức độ nguy cấp và sắp bị đe dọa nguy cấp như: gỗ nước, chà là biển, sú, bần ổi, cóc đỏ, chiếc bàng và chùm lé, gội mum… Rừng ngập mặn Cần Giờ còn có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam như tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, vích, cá sấu hoa cà…)
Tiêu chí 5 (Khu phòng hộ huyện Cần Giờ có khu quy hoạch sân chim Vàm Sát, nên nơi này thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thức ăn và là nơi dừng chân của hàng chục nghìn cá thể chim nước. Tiêu chí 8 (Rừng ngập mặn Cần Giờ là cái nôi tự nhiên cho rất nhiều loài tôm, cá. Đây là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở).
Với diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có các hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Đây là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động thực vật hoang dã có giá trị kinh tế, khoa học. Đóng góp nhiều giá trị to lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống dân cư địa phương cũng như vùng lân cận. Tháng 1/2020, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận rừng Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận.
THANH BÌNH
Bình luận