Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Thứ năm, 06/04/2023 18:04
TMO - Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, hàng năm tỉnh Lào Cai đều triển khai các phương án nhằm chủ động phòng chống, sẵn sàng ứng phó, đồng thời hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, việc rà soát, quy hoạch các điểm tái định cư, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh.
Tỉnh Lào Cai chịu tác động của 19/22 loại hình thiên tai, như: Áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối,... gây ra thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Mặc dù, nằm sâu trong đất liền, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng mỗi khi bão mạnh đổ bộ vào các tỉnh ven biển phía Bắc thì hoàn lưu của bão kết hợp với rãnh thấp thường gây mưa to đến rất to sinh ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất gây thiệt hại cả về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 769 điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai; trong đó: 601 điểm chưa có biển cảnh báo (Ngầm tràn 71 điểm; sạt lở đất 222 điểm; lũ ống, lũ quét 113 điểm; ngập úng 107 điểm; sạt lở bờ sông, suối 36 điểm; sụt lún do mưa lũ hoặc dòng chảy 52 điểm); 168 điểm đã có biển cảnh báo (Ngầm tràn 38 điểm; sạt lở đất 93 điểm; lũ ống, lũ quét 30 điểm; ngập ứng 4 điểm; sạt lở bờ sông, suối 02 điểm; sụt lún do mưa lũ hoặc dòng chảy 01 điểm), cần phải triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai tổng hợp để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, như: Cử lực lượng canh, trực khi có mưa lớn, không xây dựng nhà ở tại vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; lắp đặt hệ thống cảnh báo mực nước tại các ngầm tràn và khu vực dân cư có nguy cơ ngập úng,...
Do chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó, hạn chế thiệt hại.
Theo dự báo, năm 2023 tỉnh Lào Cai có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 17-22 °C; lượng mưa trung bình từ 1.800-2.000mm; độ ẩm không khí 84,63%. Do bị chi phối bởi yếu tố địa hình phức tạp, phân tầng độ cao lớn, nên có sự đan xen một số tiểu vùng á nhiệt đới, ôn đới rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, đặc biệt là nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu,... tỉnh Lào Cai thường có sự chênh lệch khí hậu giữa các vùng, vùng cao độ ẩm lớn hơn vùng thấp; mùa hè nhiệt độ nắng nóng có nơi đạt 41C°; mùa Đông có sương mù thường xuất hiện khá phổ biến trên toàn tỉnh, có nơi mật độ rất dày. Trong các đợt rét hại thường xuất hiện sương muối ở những vùng có độ cao trên 1.000m như: Sa Pa, Bát Xát; nhiều năm có tuyết rơi, nhiệt độ dưới 0 độ C.
Trước những dự báo về tình hình thiên tai trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan, địa phương triển khai kế hoạch sắp xếp người dân ra khỏi vùng thiên tai. Theo đó, trong năm 2023, Lào Cai dự kiến sắp xếp 230 hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ di chuyển 13.160 triệu đồng. Trong đó, có 201 thuộc vùng thiên tai, 2 hộ dân cư vùng biên giới và 27 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể, có 59 hộ được bố trí sắp xếp tập trung, 153 hộ xen ghép và 18 hộ bố trí tại chỗ. Về mức hỗ trợ, đối với các hộ di chuyển xen ghép là 80 triệu đồng/hộ (nhóm I) và 60 triệu đồng/hộ (nhóm II); hỗ trợ di chuyển 15 triệu đồng/ hộ (sắp xếp tập trung); 20 triệu đồng/hộ (sắp xếp tại chỗ).
Rà soát, di dời dân cư vùng thiên tai nghiêm trọng đến khu vực ổn định là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh quán triệt triển khai.
Trong năm 2023, tỉnh Lào Cai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư, trong đó thực hiện 04 dự án sắp xếp dân cư tập trung, gồm: Dự án chuyển tiếp 01 dự án; khởi công mới 03 dự án, để phục vụ bố trí sắp xếp 195 hộ trong vùng thiên tai nguy hiểm. Nhu cầu kinh phí năm 2023 là 61,5 tỷ đồng. Việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư nông thôn theo Quyết định 590/QĐ-TTg, năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm cụ thể hóa Đề án số 01/ĐA-TU của Tỉnh ủy về “phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới” và nhu cầu sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg. Theo đó, trong mục tiêu bố trí, sắp xếp được 1.674 hộ ổn định dân cư giai đoạn 2022 – 2025 sẽ thực hiện sắp xếp các hộ ra khỏi vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn 1.635 hộ và sắp xếp dân cư vùng biên giới 39 hộ. Về hình thức sắp xếp: Sắp xếp tập trung 737 hộ, xen ghép 488 hộ, ổn định tại chỗ 449 hộ.
Năm 2022, tỉnh Lào Cai thực hiện kế hoạch sắp xếp 90 hộ dân cư với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng, gồm sắp xếp dân cư thiên tai 51 hộ và sắp xếp dân cư biên giới 39 hộ. Trong đó sắp xếp tập trung 50 hộ, sắp xếp dân cư xen ghép 16 hộ, ổn định tại chỗ 24 hộ. Việc bố trí ổn định dân cư tập trung, có trọng điểm, đảm bảo kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất để người dân đến nơi ở mới có điều kiện sống ổn định lâu dài; hướng tới hình thành các điểm dân cư đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa của từng dân tộc.
Thực hiện bố trí ổn định dân cư tại các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ người dân tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.
Cùng với việc bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, địa phương này cũng xây dựng, củng cố, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai, trong đó chú trọng các công trình sạt lở bờ sông, bờ suối tại những khu vực diễn biến sạt lở phức tạp uy hiếp nghiêm trọng các công trình kè, khu tập trung dân cư, các công trình hạ tầng phòng chống lũ quét, sạt lở đất và các cơ sở hạ tầng quan trọng, các công trình hạ tầng trọng điểm, xung yếu. Tập trung sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hồ, đập bảo đảm chủ động phòng chống mưa, lũ theo mức thiết kế.
Nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng do mưa lớn, lũ; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo sức chống chịu với thiên tai. Đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa các công trình hạ tầng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ theo quy hoạch và chủ động ứng phó với thiên tai, không làm gia tăng rủi ro thiên tai. Xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ hồ chứa; các công trình giám sát, cảnh báo sớm thiên tai...
Hà Thu
Bình luận