Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ sáu, 21/07/2023 13:07
TMO - Trong mùa mưa bão hệ thống cây xanh đô thị luôn tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ, bật gốc, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân và giao thông. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn cho hệ thống cây xanh luôn các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc.
Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão, thành phố Hà Nội tập trung lực lượng, chủ động rà soát, lên kế hoạch cắt tỉa cây bóng mát, vừa bảo đảm cảnh quan đô thị vừa phòng, chống thiên tai. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1,16 triệu cây bóng mát.
Hàng năm, Sở Xây dựng Hà Nội đều giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống cây bóng mát đang quản lý, khối lượng cây cần cắt sửa, đồng thời gia cố cọc chống cây mới trồng. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND cấp huyện chủ động rà soát, cắt tỉa cây nguy hiểm trên địa bàn phân cấp quản lý.
Việc rà soát, cắt tỉa cây nguy hiểm trên địa bàn trước mùa mưa bão được ngành chức năng TP Hà Nội đẩy mạnh triển khai.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong mùa mưa bão năm 2023, Hà Nội dự kiến chịu ảnh hưởng của hai đến ba cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Trong những tháng chuyển mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, gió giật mạnh rất dễ xảy ra. Điều này làm gia tăng nguy cơ gãy đổ cây xanh, nhất là tại các tuyến phố nội đô. Những tuyến phố cổ, phố cũ vốn nhỏ hẹp, việc cây xanh gãy, đổ càng trở nên nguy hiểm hơn.
Trên cơ sở rà soát thực tế, trong năm 2023, TP Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện cắt tỉa khoảng 348 nghìn cây xanh đô thị kết hợp chỉnh trang đồng bộ trên các tuyến đường nhằm nâng cao thẩm mỹ, hạn chế cây gãy đổ trong mùa mưa bão. Việc cắt tỉa cây xanh cũng nhằm chủ động kiểm tra, rà soát, cắt tỉa cây bóng mát nặng tán, cây có nguy cơ gãy đổ; đặc biệt, xử lý ngay các trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, cây chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột và gia cố, chằng chống, khắc phục lại các cọc bị hỏng, mục...
Tại Bắc Giang, Sở Xây dựng tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thực hiện quản lý cây xanh đô thị thực hiện đầy đủ trách nhiệm về quản lý cây xanh theo quy định pháp luật. Thực hiện công tác cắt tỉa cây bóng mát theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt chú ý công tác gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để cây không bị nghiêng ngả, đổ khi có gió lớn; kiểm tra, rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, xử lý kịp thời các cây có nguy cơ gây mất an toàn mùa mưa bão. Xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống, ứng phó bão mạnh, siêu bão trên địa bàn được giao quản lý gửi cơ quan quản lý theo phân cấp để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh.
Bố trí nhân lực, các phương tiện, máy móc đảm bảo hoạt động tốt trong trường hợp cấp thiết ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai; tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy. Sở Xây dựng Bắc Giang: Đây là việc làm nhằm chủ động kiểm tra, rà soát, cắt tỉa cây bóng mát nặng tán, cây có nguy cơ gãy đổ; đặc biệt, xử lý ngay các trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, cây chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột và gia cố, chằng chống, khắc phục lại các cọc bị hỏng, mục...
Việc chủ động triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng gãy đổ cây xanh mùa mưa bão, ngăn ngừa thiệt hại.
Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã bước vào mùa mưa, thời tiết diễn biến phức tạp. Nguy cơ mưa lớn, dông lốc và bão tăng cao, tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại đến cây xanh trong đô thị, gây tổn thất về tài sản và tắc nghẽn giao thông cục bộ. Hiện nay, hệ thống cây xanh trên một số tuyến đường, khuôn viên địa bàn thành phố đang phát triển tốt, có tán và chiều cao vượt ra ngoài không gian vỉa hè, nhà dân. Một số cây phát triển không đều, lệch tán, nghiêng về phía đường và có nguy cơ ngã đổ cao.
Ngay từ đầu năm 2023, đơn vị phát triển công viên cây xanh và đô thị trên địa bàn thành phố đã khảo sát và thống kê có 223 cây xanh cần hạ thấp tán, khống chế chiều cao và 19 cây cần đốn hạ để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, cùng với đó là hàng ngàn cây xanh đã được khảo sát, hạ độ cao. Trong khi đó, tại các huyện, thị xã, phương án phòng, chống cây xanh gãy đổ vào mùa mưa cũng được các đơn vị chủ động thực hiện từ sớm.
Để đảm bảo an toàn đối với hệ thống cây xanh trên địa bàn TP. HCM, UBND thành phố giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn diện về tình hình sinh trưởng, phát triển và khả năng đảm bảo an toàn của cây xanh công cộng. Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy, đổ gây mất an toàn.
Theo đó, định kỳ trước mùa mưa hằng năm, Sở Xây dựng đều có các văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai các nội dung về phòng tránh, ứng phó và khắc phục sự cố ngã đổ cây xanh trong mùa mưa bão. Trong đó có yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm tra về khả năng đảm bảo an toàn của cây xanh (rễ, thân, cành, tán lá) phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các cây xanh mất an toàn như: đốn hạ, trồng thay thế những cây bị sâu, bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng có khả năng gãy đổ, gây nguy hiểm; lấy nhánh khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn; chống sửa cây nghiêng…
Theo thống kê của ngành chức năng thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, toàn thành phố hiện có trên 10.000 cây xanh đường phố. Diện tích cây xanh tăng lên hàng năm trung bình từ 2.000-3.000 m2. Hệ thống cây xanh đô thị được cải tạo, chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên. Nhằm hạn chế tình trạng cây xanh bị đổ ngã trong mùa mưa bão, tiềm ẩn rủi ro, trước khi vào mùa mưa, Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau phối hợp với xã, phường rà soát lại số lượng cây xanh có nguy cơ đổ ngã trên địa bàn quản lý để có phương án cắt tỉa, đốn hạ phù hợp. Theo đó, từ đầu mùa mưa đến nay đã thực hiện cắt tỉa, chống ngã cho trên 1.600 cây.
Thực tế, trong môi trường đô thị, không gian sống của cây xanh bị thu hẹp, dễ bị xâm hại. Vì vậy, nhiều cây phát triển cong queo, lệch tán, nghiêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng tạo ra những trận lốc xoáy rất khó lường, làm gãy, đổ cây. Trong năm 2023, các chuyên gia khí tượng dự báo năm nay sẽ xảy ra hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng cao, do đó các cơn bão cũng bất thường hơn và khó đoán định hơn, vì vậy cần đặc biệt chú ý công tác bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trên địa bàn.
Các cây ưu tiên cắt sửa là những cây có đường kính, chiều cao lớn, cây nặng tán, lệch tán, cành vươn, dễ bị gãy, đổ khi gặp mưa, bão. Trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột, cây có dấu hiệu bị xâm hại sẽ được xử lý ngay. Việc cắt tỉa cây bóng mát bảo đảm yêu cầu nâng cao vòm lá để bảo đảm tầm nhìn, an toàn giao thông; chỉnh hình tán cây bảo đảm cảnh quan; làm thưa tán, hạ độ cao các cây nặng tán, cây có nguy cơ gãy, đổ nhằm phòng, chống thiên tai.
Kiều Hiếu
Bình luận