Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 10:11
Thứ tư, 30/08/2023 19:08
TMO – Kiểm kê khí nhà kính tập trung vào nguồn phát thải, bể hấp thụ là phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ đất có rừng nguyên trạng và đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước, đất ở hoặc đất khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực rừng và đất lâm nghiệp. Theo dự thảo, việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ được triển khai thực hiện định kỳ 2 năm/1 lần. Năm kiểm kê lần đầu tiên là năm 2020. Các loại khí kiểm kê bao gồm; CO2, CH4 và N2O. Các loại khí CH4 và N2O sau khi tính toán được quy đổi thành khí CO2 tương đương (CO2tđ).
Việc kiểm kê khí nhà kính được thực hiện theo đúng hướng dẫn của IPCC (Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu) về hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính quốc gia và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Số liệu hoạt động sử dụng cho kiểm kê khí nhà kính được sử dụng từ các dữ liệu sẵn có, tin cậy, nhất quán và minh bạch, trong đó số liệu hoạt động đối với diện tích sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất lâm nghiệp được lấy từ số liệu không gian.
(Ảnh minh họa)
Kiểm kê khí nhà kính thực hiện trên các loại đất theo nguồn phát thải, bể hấp thụ. Cụ thể, nguồn phát thải, bể hấp thụ là phát thải, hấp thụ khí nhà kính từ đất có rừng nguyên trạng; các loại đất chuyển thành đất có rừng, bao gồm: đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước, đất ở hoặc đất khác; đất có rừng chuyển đổi thành các loại đất trống, bao gồm: đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước, đất ở hoặc đất khác.
Về Quy trình thực hiện, kiểm kê khí nhà kính được thực hiện qua 9 bước, gồm: Lựa chọn phương pháp kiểm kê khí nhà kính; Lựa chọn hệ số phát thải, hệ số hấp thụ và các hệ số khác; Lựa chọn, thu thập và xử lý số liệu hoạt động; Tính toán phát thải và hấp thụ khí nhà kính; Đánh giá độ không chắc chắn; Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính; Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính; Kiểm soát chất lượng; Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính.
Trong đó, kiểm soát chất lượng bao gồm các nội dung sau: Kiểm tra sự toàn vẹn, đúng đắn và đầy đủ của số liệu, bao gồm: Kiểm tra các giả thuyết và tiêu chuẩn chọn lựa số liệu hoạt động, hệ số phát thải, hấp thụ và các hệ số khác; kiểm tra lỗi nhập số liệu và tài liệu tham khảo; kiểm tra phần tổng hợp bộ dữ liệu; kiểm tra tính liên tục của dữ liệu; kiểm tra xu thế phát thải, hấp thụ...
Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Theo Điều 91, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các khí nhà kính chính là carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O).
Luật Bảo vệ môi trường quy định 4 đối tượng và 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Cụ thể, 4 đối tượng kiểm kê khí nhà kính gồm (Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên).
06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: Năng lượng (công nghiệp sản xuất năng lượng, Tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than, dầu, khí tự nhiên); Giao thông vận tải (tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải); Xây dựng (tiêu thụnăng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng); Các quá trình công nghiệp: (sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác); Nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất (chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp); Chất thải (bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải).
PHẠM DUNG
Bình luận