Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 01:11
Thứ năm, 26/09/2024 14:09
TMO – Quỹ phòng, chống thiên tai được phân làm hai cấp (Quỹ trung ương và địa phương). Trong đó, Quỹ trung ương do Chính phủ thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý vận hành, còn địa phương do UBND cấp tỉnh, thành phố thành lập và quản lý vận hành.
Việt Nam là một trong những quốc gia hàng năm chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản bởi thiên tai (khô hạn, mưa bão, lũ lụt…). Đơn cử, theo thống kê thiệt hại do thiên tai trong 8 tháng (từ tháng 1 – tháng 8) của năm 2024 (chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, ngập lụt), thiên tai làm 147 người chết và mất tích, 104 người bị thương; 32,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 259,3 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 30,8 nghìn ha hoa màu và 84,5 nghìn ha lúa bị ngập, hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 3.374,6 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần cùng kỳ năm 2023. Mới đây nhất (tháng 9) là bão và hoàn lưu bão số 3 đổ bộ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các địa phương khu vực miền Bắc.
Nhằm nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại bởi thiên tai, kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai, ngày 1/8/2021 Chính phủ ban hành Nghị định thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai. Theo Nghị định, đối tượng áp dụng của Quỹ là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sinh sống, hoạt động hoặc tham gia phòng, chống thiên tai tại Việt Nam. Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai. Ảnh minh họa.
Quỹ phòng, chống thiên tai được phân làm hai cấp, cấp Trung ương do Chính phủ thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập và quản lý.
Nhiệm vụ của Quỹ phòng, chống thiên tai, theo Nghị định trên, Quỹ phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính; Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan; Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nguồn Quỹ và nội dung chi từ Quỹ
Theo quy định, Quỹ phòng, chống thiên tai được huy động từ nguồn hỗ trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện cho Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương của các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều tiết từ Quỹ cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thu lãi từ tài khoản tiền gửi; Các nguồn hợp pháp khác (nếu có); Tồn dư Quỹ trung ương năm trước được chuyển sang năm sau.
Quỹ phòng, chống thiên tai được sử dụng vào việc cứu trợ, hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp khi vượt quá khả năng ứng phó của địa phương; trong đó ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học và xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.
Hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương chịu thiệt hại bởi thiên tai vượt quá khả năng khắc phục của địa phương; hỗ trợ, trợ cấp đột xuất cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai và người bị tai nạn, thiệt hại khi tham gia phòng, chống thiên tai. Hỗ trợ cho các dự án khẩn cấp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dự án điều tra cơ bản và các hoạt động phòng, chống thiên tai liên tỉnh, liên vùng, liên ngành.
Hỗ trợ công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin thiên tai. Hỗ trợ các hoạt động thông tin, truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho người dân; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và trao đổi, học tập kinh nghiệm về nghiệp vụ quản lý giữa các Quỹ cấp tỉnh. Chi phí quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ trung ương trong năm không vượt quá 1% tổng số nguồn thu của quỹ trong năm đó.
TÚ QUYÊN
Bình luận