Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ năm, 09/03/2023 12:03
TMO - Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi từng bước hoàn chỉnh các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp góp phần bảo vệ môi trường. Nâng mức đảm bảo an toàn về bảo lũ, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong toàn tỉnh.
Theo đó, địa phương này xây dựng phương án thoát nước phù hợp với Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam, phù hợp với quy hoạch thủy lợi miền trung giai đoạn 2012- 2020, định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050.
Phương án phát triển hệ thống thoát nước của tỉnh phù hợp với các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực khác trong quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước cho các đô thị, nông thôn và các khu, cụm công nghiệp; Đồng thời, thoát nước gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững, trong đó chú trọng bảo vệ các lưu vực sông, cảnh quan sông suối tự nhiên, ao hồ trong vùng và khu vực trên cơ sở quản lý toàn diện lưu vực sông, phù hợp với phân vùng thủy lợi.
Tỉnh Quảng Ngãi triển khai xây dựng, hoàn thiênh hệ thống thoát nước mưa, giảm thiểu tác động từ mưa lớn, lũ lụt. Ảnh: PA.
Đối với hệ thống thoát nước mưa, do đặc điểm địa hình bao gồm cả vùng núi, trung du, đồng bằng và ven biển, việc tiêu nước cho tỉnh Quảng Ngãi bao gồm cả 3 loại hình là tiêu tự chảy đối với khu vực vùng núi, tiêu tự chảy bằng cống đối với các khu vực trung du, tiêu cưỡng bức đối với khu vực đồng bằng và ven biển. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan và phát triển cơ sở hạ tầng, tổng lưu lượng dòng chảy lũ và lưu lượng đỉnh lũ ở các lưu vực sông gia tăng từ 5 -7% (2030) và sẽ tăng lên 7-10% (2050) làm ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ.
Thời gian tới, định hướng tần suất phòng, chống lũ các giai đoạn: Chống lũ chính vụ bảo vệ thành phố Quảng Ngãi giai đoạn đến 2030 là: 10%, giai đoạn sau 2030 là 5%, Chống lũ chính vụ bảo vệ các khu đô thị khác thuộc lưu vực sông Trà Khúc đoạn phía Đông đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: giai đoạn đến 2030 là: 10%, giai đoạn sau 2030 là 5%. Chống lũ chính vụ bảo vệ các khu đô thị khác là 10%; Chủ động né tránh, thích nghi và sống chung với lũ chính vụ.
Đối với nguồn nước thải, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu thoát nước thải đô thị đến năm 2030: Các đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn đối với đô thị loại I >60%, đối với đô thị loại II-V >50%. Định hướng đến 2050 nâng tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn đối với đô thị loại I >80%, đối với đô thị loại II-V >70%. Bên cạnh đó, tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải đạt 100%. Đối với khu vực nông thôn, các khu vực trung tâm xã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ thu gom và xử lý đạt tối thiểu 50%.
Tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên sử dụng hệ thống thu gom và xử lý tập trung. Áp dụng công nghệ xử lý hiện đại, tiết kiệm diện tích, phù hợp với cảnh quan đô thị. Trong giai đoạn đầu, khi các trạm xử lý tập trung theo quy hoạch chưa được xây dựng, các dự án xây dựng trước phải có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải cục bộ riêng, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định; hệ thống thu gom riêng phải tuân thủ quy hoạch chung về hướng thoát nước và cao độ điểm đấu nối để thuận lợi cho việc tích hợp hệ thống trong tương lai.
Các đô thị nhỏ có quy mô dân số nhỏ, đề xuất áp dụng mô hình xử lý phân tán. Nước thải được thu gom và xử lý tại chỗ bằng các trạm xử lý có công suất nhỏ, modun xử lý sản xuất sẵn trước khi thoát ra nguồn tiếp nhận. Sau năm 2030, khi đô thị phát triển hơn, lượng nước thải lớn, có thể xem xét liên kết các công trình xử lý phân tán về điểm xử lý tập trung như các đô thị lớn.
Tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh tới định hướng trong công tác xử lý nước thải từ hoạt động dân sinh, sản xuất trên địa bàn. Ảnh: HC
Trên cơ sở định hướng phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tổng nhu cầu thoát nước thải công nghiệp 171.200m3/ngày đêm. Với khối lượng nước thải này, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu toàn bộ nước thải phát sinh tại các cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp trong khu, cụm công nghiệp phải được thu gom theo hệ thống riêng hoàn toàn và xử lý tập trung. Nước thải công nghiệp phải được phân loại (nước nhiễm bẩn, không nhiễm bẩn, nước độc hại v.v.) trước khi thu gom và có giải pháp xử lý riêng.
Trong một số trường hợp yêu cầu phải có xử lý cục bộ tại từng nhà máy, xí nghiệp trước khi thải ra hệ thống thu gom của Khu công nghiệp. Chất lượng nước thải sau xử lý phải có đạt các yêu cầu theo quy định tại QCVN 40:2021/BTNMT trước khi xả ra nguồn tiếp nhận (sông hồ, kênh rạch). Dự kiến Xây dựng các trạm xử lý nước thải tập theo từng loại hình công nghiệp đảm bảo quy mô và giai đoạn phát triển của từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đối với nước thải y tế, Nước thải sinh hoạt của bệnh nhân, của cán bộ công nhân viên y tế phải được xử lý qua bể tự hoại xây dựng đúng quy cách, trước khi xả vào cống nước thải đô thị. Nước thải y tế nguy hại phải được các cơ sở chủ quản đầu tư công trình xử lý riêng, đạt tiêu chuẩn môi trường theo QCVN 28:2010/BTNMT trước khi xả ra cống thoát nước thải đô thị. Dự kiến Xây dựng nâng cấp, bổ sung xây dựng mới các trạm xử lý nước thải tập theo từng bệnh viện đảm bảo quy mô và giai đoạn phát triển của các bệnh viện.
Tại khu vực nông thôn, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất áp dụng mô hình xử lý phân tán. Nước thải được thu gom và xử lý tại chỗ bằng các bể xử lý có công suất nhỏ, modun xử lý sản xuất sẵn trước khi thoát ra nguồn tiếp nhận. Giai đoạn đầu trước mắt tập trung thu gom và xử lý cho các khu vực trung tâm xã, khu vực đông dân cư và từng bước thu gom và xử lý tập trung theo từng xã. Đối với các dự án xây dựng dân cư mới ở khu vực nông thôn phải có hệ thống thu gom và xử lý riêng cục bộ cho khu vực xây dựng mới.
Lê Hồng
Bình luận