Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 21:11
Thứ bảy, 09/12/2023 20:12
TMO – Hậu Giang phấn đấu đến năm 2050 sẽ là địa phương có trình độ phát triển khá của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Quy hoạch đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.
Hậu Giang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: PHƯƠNG ĐIỀN
Mục tiêu đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Theo Quy hoạch, huyện Châu Thành sẽ trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh Hậu Giang. Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP. HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và TX. Long Mỹ. Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng là các trụ cột kinh tế của tỉnh này.
Kinh tế tăng trưởng mạnh
Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (theo giá so sánh 2010) được 14.362 tỷ đồng, đạt 47,88% kế hoạch năm, tăng 14,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 11,00% của 6 tháng đầu năm 2022, mức tăng này cho thấy Hậu Giang đang từng bước vươn lên khẳng định mình bằng các chính sách thu hút đầu tư có hiệu quả, góp phần to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế địa phương một cách toàn diện. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước được 3.078 tỷ đồng, tăng 4,19% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022 tăng 4,49%), đạt 43,36% kế hoạch năm, đóng góp 0,98 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP, giá trị tăng thêm được 124 tỷ đồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy có tốc độ tăng khá là do diện tích, sản lượng rau màu tăng cao, sản lượng cây ăn quả tăng cùng với sự tăng trưởng tốt của đàn heo và gia cầm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng ước được 5.101 tỷ đồng, tăng 34,97% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022 tăng 26,26%) và đạt 53,24% so kế hoạch năm, đóng góp chung vào mức tăng trưởng GRDP là 10,51 điểm phần trăm, giá trị tăng thêm được 1.322 tỷ đồng, trong đó ngành công nghiệp tăng 38,92%, đóng góp 9,91 điểm phần trăm với giá trị tăng thêm được 1.246 tỷ đồng. Đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng ngành công nghiệp là ngành sản xuất và phân phối điện (chiếm cơ cấu 51,75% trong giá trị tăng thêm ngành công nghiệp), với tốc độ tăng 268,46%, Bên cạnh đó do ảnh hưởng của giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng, cũng như thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, nên một số ngành có tốc độ tăng trưởng giảm như: Sản xuất, chế biến thực phẩm (chiếm 12,43% ngành công nghiệp) giảm 5,89%; Sản xuất đồ uống (chiếm 9,68% ngành công nghiệp) giảm 3,66%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (chiếm 8,75% ngành công nghiệp) giảm 9,93%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (chiếm 4,51% ngành công nghiệp) giảm 4,40%;... dẫn đến ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,50% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực dịch vụ ước được 5.129 tỷ đồng, tăng 7,73% (6 tháng đầu năm 2022 tăng 5,03%), đạt 48,56% kế hoạch năm, đóng góp 2,93 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP với giá trị tăng thêm được 368 tỷ đồng. Trong đó, một số ngành tăng trưởng khá so với cùng kỳ góp phần vào sự tăng trưởng chung của cả khu vực như: ngành Bán buôn và bán lẻ tăng 7,46%; Vận tải kho bãi tăng 10,17%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,64%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 22,95%;...
Quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 27.495 tỷ đồng. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng như sau: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 19,87%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,36%; khu vực dịch vụ chiếm 34,66%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,10%. Nhìn chung cơ cấu nền kinh tế 6 tháng năm 2023 có sự dịch chuyển giữa các khu vực so với cùng kỳ (cơ cấu tương ứng cùng kỳ lần lượt là 22,36%; 30,26%; 38,97% và 8,41%).
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận