Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 14:01
Chủ nhật, 15/12/2024 08:12
TMO – Hà Nội sẽ tăng không gian xanh (khoảng xanh đô thị), cơ bản giải quyết tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông…đây là những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa được Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%/ năm thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15 - 16% tổng sản phẩm (GDP) của cả nước, khoảng 45 - 46% GRDP của vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD.
Tỷ trọng GRDP của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 65,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25,3%, khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 1,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 8,2%. Kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8% trong GRDP của thành phố; Tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 7,5 - 8%/năm; Về xã hội, quy mô dân số thường trú khoảng 10,5 - 11 triệu người; dân số vãng lai quy đổi khoảng 1,45 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90...
Với lĩnh vực môi trường, Hà Nội đặt mục tiêu, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 6,2%. Diện tích cây xanh đô thị phấn đấu khoảng 10-12 m2/người. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 10%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại tại nguồn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được thu, gom xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%.
(Ảnh minh họa)
Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đạt 70%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ dân số đô thị và nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%. Về đô thị và nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; tỷ lệ vận tải công cộng phấn đấu đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân đô thị...
Để đạt những mục tiêu nêu trên, Quy hoạch đề ra loạt nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, về bảo vệ môi trường và cảnh quan, giải quyết căn bản ô nhiễm môi trường; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại, tuần hoàn, thân thiện với môi trường; xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ; làm sống lại các dòng sông, khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, ao hồ... thành nguồn lực phát triển. Phát triển xanh, tăng diện tích cây xanh, xanh hóa khu vực nội đô; giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, tham gia thị trường carbon, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của quốc gia.
Về phát triển đô thị và nông thôn, phát triển giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035; giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố và khu vực nội đô. Bảo tồn, tôn tạo các khu phố cổ, phố cũ; phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc tiêu biểu gắn với phát triển du lịch bền vững. Cải tạo các khu chung cư cũ, các khu nhà ở không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn.
Phát triển đô thị mới theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, có hệ thống hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, tạo cơ hội việc làm, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm và tạo động lực lan tỏa phát triển khu vực nông thôn. Xây dựng mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo động lực phát triển hài hòa các khu vực đô thị và nông thôn. Phát triển khu vực nông thôn theo các đặc thù của mỗi khu vực: khu vực đô thị hóa, khu vực nông thôn truyền thống, khu vực có không gian kiến trúc, cảnh quan vùng nông thôn của Thủ đô mang đậm nét văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ; tạo không gian sống trong lành, chất lượng sống không thấp hơn khu vực đô thi.
Về phát triển kinh tế, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2030. Phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và có chính sách thu hút đầu tư để Hà Nội dẫn đầu khu vực phía Bắc về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, các ngành mới nổi; phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, sinh thái, thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới thực hiện các chương trình trọng điểm của Thủ đô.
Mở rộng, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng ngành dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ; phát triển dịch vụ logistics, xây dựng các trung tâm phân phối để trở thành trung tâm đầu mối trung chuyển đa phương tiện, kết nối liên vùng trong nước và quốc tế. Hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng để Thủ đô Hà Nội là trung tâm tài chính quốc gia, định hướng mang tầm quốc tế. Phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Phát triển kinh tế đô thị gắn với tổ chức, khai thác có hiệu quả các không gian phát triển. Phát triển các mô hình kinh tế đêm phù hợp gắn với khai thác không gian văn hóa - lịch sử, phố cổ - Hồ Tây - sông Hồng và các khu vực có tiềm năng, lợi thế, tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.
Về phát triển văn hóa, xã hội, bảo tồn, tôn tạo, khai thác, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, lịch sử, nâng tầm di sản bằng công nghệ số. Hình thành các không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các sáng kiến và cam kết của Thủ đô Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nghiên cứu, đề nghị UNESCO ghi danh di sản thế giới đối với một số không gian văn hóa, di sản đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Xây dựng một số công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng thời kỳ phát triển mới của Thủ đô.
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, bảo đảm điều kiện tiếp cận giáo dục thuận lợi, phù hợp theo độ tuổi với chất lượng giáo dục cao, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu đào tạo năng lực công dân toàn cầu. Xây dựng đồng bộ hạ tầng khu, cụm đại học tại khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai để hình thành thành phố khoa học công nghệ; giảm các hoạt động đào tạo đại học tại khu vực trung tâm.
Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại, chuyên sâu, đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cao, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế; phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình và hệ thống kiểm soát dịch bệnh. Về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy, nâng cao vai trò của khu công nghệ cao Hòa Lạc, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học và các viện nghiên cứu trên địa bàn trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.../.
BẢO HÂN
Bình luận