Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Chủ nhật, 10/09/2023 07:09
TMO - Để thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng đô thị này cần sử dụng vật liệu xanh, vật liệu thông minh, lối kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng.
Theo định hướng của Chính phủ và tỉnh Kiên Giang, TP Phú Quốc (thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam) sẽ trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Bộ Xây dựng cho rằng: Kiến trúc đô thị thích ứng biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới cũng vừa là cơ hội để các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư thể hiện đóng góp của mình trong việc cải thiện cuộc sống của con người.
Với đô thị Phú Quốc, tổ chức không gian kiến trúc bền vững có hiệu quả, xây dựng, phát triển, quản lý và chỉnh trang thành phố, đô thị hóa thích ứng biến đổi khí hậu, với hội nhập tinh hoa quốc tế và trở thành một mô hình phát triển bền vững của Việt Nam. Tại đô thị này, để tổ chức quy hoạch, không gian kiến trúc bền vững phải đảm bảo những điều kiện như: Quá trình khai thác có hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xác định mục tiêu, động lực phát triển khu du lịch chăm sóc sức khỏe, dự báo quy mô dân số của khu chức năng, yêu cầu cụ thể về định hướng phát triển không gian, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500.
Phú Quốc cần tổ chức không gian kiến trúc bền vững có hiệu quả, xây dựng, phát triển, quản lý và chỉnh trang thành phố, đô thị hóa thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời, gắn lý thuyết điểm đến du lịch thông minh vào nội dung đồ án quy hoạch với các cách tiếp cận hợp lý, toàn diện. Với việc phát triển điểm đến du lịch sức khỏe và khám phá văn hóa bản địa, mỗi điểm đến phải lựa chọn nhiều hình thức khác nhau và giải quyết nhiều vấn đề góp phần tạo nên đề xuất dịch vụ độc đáo của thương hiệu điểm đến du lịch. Lợi ích kinh tế cho cộng đồng nhân dân khu vực phải được đưa vào quy hoạch, chiến lược, chiến thuật, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm và tiếp thị của điểm đến như một trung tâm thương mại du lịch dịch vụ sức khỏe với nội dung đặc sắc. Ngoài ra, quy mô, dây chuyền, không gian kiến trúc cảnh quan cũng phải được xác định phù hợp theo tính các chất cấu trúc dây chuyền. Các khu du lịch cần gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, qua đó du khách sẽ được sống trong một môi trường văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Sở Xây Dựng tỉnh Kiên Giang cho rằng: Không gian công cộng là một thành phần quan trọng của đô thị. Một thành phố phát triển thành công và bền vững là phải có hệ thống không gian công cộng với chất lượng cao, cảnh quan đẹp và bền vững về môi trường. Không gian công cộng không chỉ chịu áp lực trong thực tế mà ngay cả trong các đồ án quy hoạch.
Quy hoạch chung xây dựng xác định đất dành cho không gian công cộng của toàn thành phố Phú Quốc khoảng 3.372ha. Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đảo Phú Quốc; công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, việc phát triển không gian công cộng ở Phú Quốc còn phụ thuộc vào cơ sở pháp lý, các công cụ quản lý không gian công cộng ở khu vực nhà nước gồm: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp TP, cấp xã, phường; khu vực của các nhà đầu tư và khu vực cộng đồng dân cư còn nhiều nội dung từ các bước quy hoạch, kêu gọi đầu tư, đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng chưa rõ ràng để thống nhất thực hiện.
Bên cạnh đó, việc phát triển thiếu cân bằng giữa các khu chức năng, thiếu đồng bộ giữa các hạng mục công trình. Trong tổng số 335 đồ án quy hoạch công trình được phê duyệt thì tập trung vào các dự án du lịch, khu đô thị mới, khu dân cư, chưa tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng như xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường tại các dòng sông, bãi biển, các dự án về y tế và giáo dục…; đặc biệt là thiếu các công trình công cộng, không gian mở để phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra, chưa phối hợp chưa đầy đủ trong việc thực hiện không gian công cộng ở 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư. Nhiều không gian công cộng đã được quan tâm, đầu tư và trở thành hình ảnh đặc trưng của Phú Quốc. Nhưng chưa phát triển đồng đều, các khu vực tư nhân được quan tâm đầu tư nhưng có sự hạn chế cho người tiếp cận, sử dụng. Trong khi đó, các không gian công cộng thuộc phạm vi quản lý của nhà nước lại đơn sơ, thiếu cải tạo, chỉnh trang nên bị xuống cấp và ít thu hút người dân và du khách.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Phú Quốc cần sử dụng vật liệu xanh, vật liệu thông minh, lối kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng.
Phú Quốc hiện nay đang có rất nhiều công trình xây dựng được đầu tư, do vậy việc sử dụng vật liệu tái chế được các chuyên gia đánh giá là sẽ góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Vật liệu tái chế là quá trình chuyển đổi, xử lý các vật liệu phế thải để tái sử dụng hoặc sử dụng thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất các vật liệu mới. Quá trình này giảm lượng rác thải ra môi trường và giảm mức sử dụng năng lượng, hạn chế việc khai thác tài nguyên, giảm chi phí sản xuất do đó mang lại lợi ích cho môi trường. Xu hướng vật liệu thông minh là vật liệu có thể tiếp nhận với những thay đổi trong môi trường và sau đó trải qua sự thay đổi về đặc tính vật chất. Những thay đổi về đặc tính này có thể được thực hiện mà không cần bất kỳ điều khiển hoặc thiết bị điện tử bổ sung nào, góp phần nâng cao hiệu suất, sự tiện nghi và hiệu quả năng lượng của cấu trúc vật liệu.
Việc quản lý sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên cân bằng giữa khai thác và hoàn nguyên; nâng cao hiệu quả sử dụng của vật liệu, tái chế, tái sử dụng các vật liệu, giảm thiểu rác thải và năng lượng tiêu thụ sẽ góp phần rất lớn cho các địa phương hướng đến phát triển bền vững, trong đó có Phú Quốc. Nhất là trong bối cảnh Phú Quốc đang hướng tới mục tiêu là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự phát triển của kiến trúc hiện đại đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng bao gồm vật liệu kết cấu, vật liệu bao che, vật liệu lợp, vật liệu làm vách ngăn bên trong công trình và các loại vật liệu hoàn thiện để có thể theo kịp các ý tưởng của các kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế công trình. Phát triển các vật liệu xây dựng tính năng cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường cũng đồng thời là cơ sở cho kiến trúc hiện đại phát huy tính sáng tạo và trở thành xu hướng phát triển tất yếu gắn liền kiến trúc và vật liệu trong tương lai đối với ngành xây dựng Việt Nam.
Đức Tuấn
Bình luận