Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 12:01
Thứ tư, 27/03/2024 08:03
TMO – Đơn vị đầu tư và thi công đã cam kết triển khai dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 bến cảng nhằm sớm phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Dự án Cảng nước sâu Mỹ Thủy nằm trên địa bàn xã Hải An, huyện Hải Lăng gồm 10 bến, có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 tấn với tiến độ xây dựng từ năm 2018, hoàn thành vào năm 2036. Dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 4/1/2019, với diện tích 685 ha.
Phát biểu trong Lễ triển khai thi công dự án sáng 25/3, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua cảng biển Quảng Trị và các cảng biển trong khu vực miền Trung ngày một tăng cao. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trở thành vấn đề rất cấp thiết. Đây là cơ hội lớn, là động lực thúc đẩy việc đầu tư xây dựng, sớm hoàn thành đưa Khu bến cảng Mỹ Thủy đi vào hoạt động có hiệu quả.
Việc triển khai thi công dự án trọng điểm này cùng với các dự án động lực khác, như Khu công nghiệp Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị, Trung tâm điện khí Hải Lăng, dự án Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với Cảng nước sâu Mỹ Thủy, dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư... là những công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng của tỉnh, là tiền đề để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cỡ ở miền Trung, cũng như cả nước và khu vực ASEAN.
(Ảnh minh họa. Nguồn: BQL)
Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu nhà đầu tư tích cực bố trí đầy đủ nhân lực, huy động vật tư, thiết bị, xây dựng kế hoạch tổ chức thi công cụ thể, bài bản bảo đảm tính khả thi. Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, các sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện Hải Lăng, lãnh đạo các xã Hải An, Hải Khê phải phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Ngoài mục tiêu phục vụ vận chuyển, lưu thông hàng hóa phát triển kinh tế-xã hội, việc đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy sẽ giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới của người dân trong khu vực.
Theo Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam vừa được Bộ Giao thông vận tải công bố cuối năm 2023, cả nước có gần 300 bến cảng biển và 14 cảng dầu khí ngoài khơi thuộc cảng biển Việt Nam... Trong đó, Hải Phòng là địa phương tập trung nhiều bến cảng nhất, tiếp đến là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. HCM. Hệ thống cảng biển hiện nay được quy hoạch đồng bộ gắn liền với các trung tâm, vùng kinh tế lớn của cả nước.
Đặc biệt, các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất – nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng đã hình thành rõ nét và đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế như: Cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc; cảng biển Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cảng biển TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Một số cảng biển đã và đang được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế như Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) – Bà Rịa – Vũng Tàu và Cảng container Quốc tế Tân Cảng (HICT) – Hải Phòng được xếp vào những cảng container nước sâu đón được tàu siêu trường, siêu trọng trên hải trình thế giới.
HOÀI AN
Bình luận