Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 19:11
Thứ hai, 26/08/2024 07:08
TMO - Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp, các cơ quan, đơn vị và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với từng vùng, từng khu vực...
Quảng Trị là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa hai miền Bắc - Nam, có địa hình chiều ngang hẹp, ngắn, dốc, có bờ biển dài 75km, hệ thống sông ngòi khá dày đặc (mật độ trung bình 0,8 - 1,0 km/km2) và khí hậu phức tạp. Với đặc điểm như vậy, Quảng Trị là một trong những tỉnh thường chịu các loại hình thiên tai với tần suất và mức độ lớn so với các địa phương khác của cả nước. Các loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất là bão (trung bình chịu tác động trực tiếp của khoảng 2 cơn/năm),lũ lụt, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét và sạt lún đất đất.
Theo Sở TN&MT Quảng Trị, số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy, các hiện tượng khí hậu cực đoan diễn ra phức tạp, khó lường, không theo quy luật như trước đây, với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn. Điều đó dẫn đến thiên tai ngày càng mạnh hơn về cường độ và tần suất xuất hiện, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Chủ động ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn về người và tài sản là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương triển khai.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, thiên tai tiếp tục có diễn biến bất thường, trái quy luật, gây thiệt hại không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp, công trình hạ tầng, nhiều vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 50 đợt thiên tai. Trong 6 tháng đầu năm 2024, diễn ra đợt nắng nóng từ ngày 13/4 - 2/5 được đánh giá là có cường độ mạnh nhất từ trước đến nay. Ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 hơn 177 tỷ đồng.
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai năm nay tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Trong các tháng cuối năm 2024, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 80% - 90%, tỉnh Quảng Trị sẽ chịu tác động của nhiều cơn bão và các đợt mưa lớn, đặc biệt trong các tháng 9, 10 và 11.
Để chủ động phòng ngừa ứng phó với thiên tai, công tác vật tư, phương tiện phục vụ được đảm bảo với 19.334 áo phao, 16.458 phao tròn, 238 bè cứu sinh, 595 nhà bạt cứu sinh, 31 xe cứu thương, 766 tàu thuyền cứu nạn, cano các loại, 12 xe chữa cháy... Tỉnh cũng dự phòng và sẵn sàng các nhu yếu phẩm để sử dụng khi cần thiết như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước uống, hóa chất khử trùng... Ngoài ra, khi có sự cố xảy ra, UBND tỉnh huy động thêm các phương tiện thiết yếu như xe tải, xe cứu thương, máy xúc, máy đào... từ các địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn để sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
Hệ thống các trạm cảnh báo thiên tai, camera giám sát thiên tai ngày càng được ưu tiên đầu tư cơ bản và tương đối đồng bộ đảm bảo nâng cao chất lượng trong thông tin, cảnh báo, dự báo. Hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phòng chống thiên tai bước đầu dần hình thành như: dữ liệu vết lũ lịch sử năm 2020, bản đồ hiện trạng các trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn, cảnh báo ngập lụt trên địa bàn tỉnh, phần mềm cập nhật lượng mưa, mực nước tự động, hình thành bản đồ 3D phân vùng thiên tai, bản đồ dữ liệu công trình hồ, đập, đê, kè...
Sở TN&MT tỉnh cho biết, hiện nay hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp; độ chính xác, tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao. Cả tỉnh hiện có 18 trạm khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, 12 trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng do Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) quản lý; 12 trạm trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng do các công ty thủy điện lắp đặt và 18 thiết bị đặt tại khu đầu mối các hồ chứa thủy lợi do Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Trị quản lý.
Sở TN&MT tỉnh cho biết, với đặc điểm địa hình của tỉnh ngắn, dốc, nghiêng từ Tây sang Đông, khu vực đồng bằng có địa hình lòng chảo cùng với hệ thống cồn cát tự nhiên án ngữ dọc bờ biển, cửa sông tương đối hẹp, nên thời gian truyền lũ nhanh nhưng tiêu thoát chậm là một nguyên nhân làm cho các địa phương trong tỉnh khi có mưa lớn thường xảy ra ngập lụt.
Bên cạnh đó, kết cấu các tầng địa chất tại một số khu vực miền núi có tính liên kết yếu, thiếu ổn định. Khi xuất hiện các đợt mưa lớn trong nhiều ngày dẫn đến nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Về nguyên nhân chủ quan, quá trình phát triển kinh tế- xã hội gắn với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị hóa ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều công trình được đầu tư xây dựng chưa gắn với quy hoạch phòng, chống thiên tai, đặc biệt là quy hoạch phòng, chống lũ của các tuyến sông làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu thoát lũ của khu vực và gây ngập lụt, sạt lở tại một số nơi...
Tình trạng sạt lở đất thường xảy ra tại các huyện miền núi như huyện Hướng Hóa.
Trước thực tế trên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai nhất là đối với tình hình mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp, các cơ quan, đơn vị và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Đặc biệt là rà soát phương án di dời, sơ tán dân, nhất là chú trọng các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập sâu, lũ ống, lũ quét.
Chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo đồng bộ, sâu sát, có hiệu lực.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phải quyết liệt hơn trong công tác sơ tán các hộ dân có nhà ở tạm bợ, sinh sống ở vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm, vùng ngập sâu, thiếu kiên cố, an toàn. Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng chống thiên tai, tăng cường công tác chỉ đạo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác.../.
Vũ Hương
Bình luận