Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ ba, 14/05/2024 08:05
TMO - Theo kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh là 1.000 tấn/ngày đêm và xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp tập trung tại 03 bãi chôn lấp liên huyện và các khu xử lý quy mô nhỏ ở các huyện miền núi. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong xử lý rác thải, tỉnh Quảng Nam đang tích cực triển khai, đảm bảo việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng theo yêu cầu và lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Chi cụ Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, để triển khai các quy định mới trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 2625/QĐ-UBND ngày 30/9/2022. Đồng thời đã soạn thảo bộ tài liệu hướng dẫn để UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình/đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn.
Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn trên địa bàn. Để từng bước đưa quy định vào thực tế, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh chọn TP.Hội An thực hiện thí điểm quy định về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Các hộ dân tại phường Cẩm Nam sử dụng túi đựng rác chuyên dụng để phân loại rác hằng ngày.
Hội An là thành phố du lịch, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt. Thành phố triển khai quy định phân loại rác tại nguồn từ năm 2012 và đến nay 60-80% hộ dân thực hiện tùy thời điểm. Rác hữu cơ được thu gom vào thứ hai và sáu, rác vô cơ khó phân hủy vào thứ ba và năm. Với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), bước đầu TP.Hội An chọn 450 hộ trên trục đường Nguyễn Tri Phương (phường Cẩm Nam) phân loại tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm.
Cụ thể, chất thải thực phẩm (lưu chứa vào túi chất thải màu trắng trong, chữ xanh); chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng (tự thu gom, xử lý tại nhà) và chất thải rắn sinh hoạt khác (lưu chứa vào túi chất thải màu trắng trong, chữ đen). Từ khi triển khai chương trình vừa kể, các hộ gia đình được mua loại túi ni lông gồm 10 lít, 15 lít, 20 lít và lớn nhất là 40 lít. Theo mức giá được quy đổi, loại túi ni lông 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít, giá 5.000 đồng, loại 20 lít, giá 7.500 đồng, loại 30 lít, giá 10.000 đồng và loại 40 lít, giá 15.000 đồng.
Đến nay phường Cẩm Nam đã triển khai 100% hộ dân trên địa bàn phường. Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ dân hình thành thói quen dùng túi ni lông được cấp phát để chứa rác vẫn còn thấp (trên 50%). Nguyên nhân do hiện nay mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện mà chưa có chế tài xử phạt cụ thể. Công tác thu gom vẫn được thực hiện khi người dân chứa rác trong các vật dụng khác.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp hội đẩy nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trong cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng các mô hình trợ lực thực hiện công tác môi trường.
Trước đó, ngày 16/9/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định về việc phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có phê duyệt 2 mô hình "Phụ nữ thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn" và mô hình "Chi hội phụ nữ thực hiện 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ". Theo đó, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện 2 mô hình "Phụ nữ Quảng Nam phân loại rác thải tại nguồn" và mô hình "Chi hội Phụ nữ 3 sạch".
Hội Phụ nữ Quảng Nam nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Mô hình “Phụ nữ Quảng Nam phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” đang được triển khai rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy ý thức, tính chủ động của hội viên phụ nữ và hộ gia đình trong bảo vệ môi trường, vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, đồng ruộng. Qua đó chuyển đổi hành vi, hình thành thói quen trong phân loại rác thải tại nguồn, tại hộ gia đình, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu lượng rác thải nhựa, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Theo kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn; tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 75%, ở xã đạt tỷ lệ 30%.Thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTR nói riêng, triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch, phân loại rác thải tại nguồn.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, Đề án quản lý chất thải rắn, đóng cửa khu xử lý rác Đại Hiệp, Tam Xuân 2, thực hiện phương án thí điểm quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân; Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường...
Tháng 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, phân loại rác thải tại nguồn, thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn Quảng Nam. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động.
Cụ thể, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị phải gương mẫu trong việc phân loại rác thải tại nguồn, thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa; không sử dụng túi ny lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần tại công sở, hội nghị, hội thảo, hội họp và các ngày lễ, ngày kỷ niệm, sự kiện khác. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu dùng một lần; tăng cường sử dụng trang thiết bị điện tử phục vụ công tác tuyên truyền. Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cán bộ, viên chức vận động người thân và mọi người xung quanh hạn chế hoặc không sử dụng túi ny lông, đồ nhựa dùng một lần để từng bước hình thành “văn hóa từ chối” túi ny lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
UBND cấp huyện có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của túi ny lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần; tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa; xây dựng“văn hóa từ chối” túi ny lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường; vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch.
Tiểu thương tại các chợ dân sinh hạn chế tối đa sử dụng bao bì ny lông khó phân hủy trong việc bao gói sản phẩm cho người tiêu dùng. Rà soát các cơ sở thu gom phế liệu, tái chế rác thải trên địa bàn để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, kết nối, hình thành mạng lưới thu gom, thu hồi, tái chế rác thải tại địa phương...
Việc phân loại rác tại nguồn nhằm hướng đến tăng cường tái chế, tuần hoàn tài nguyên rác. Để đồng hành với địa phương trong triển khai, đảm bảo việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng theo yêu cầu và lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường 2020, thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: (1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (2) Chất thải thực phẩm; (3) Chất thải rắn sinh hoạt khác. Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thành và ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cùng với đó là sửa Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đưa thêm nội dung phương pháp định giá cho thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình để giúp địa phương làm cơ sở tính giá.
Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn để xem địa phương có thực hiện theo đúng các quy định của Luật hay không. Bộ TN&MT cũng sẽ phối hợp với các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
Ngoài ra, Bộ TN&MT sẽ tiến hành và đề nghị các địa phương tiến hành đồng thời việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Bộ sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn các lớp tuyên truyền viên. Mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực để tổ chức phân loại theo quy định. Thông qua chương trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân.
Nguyễn Nga
Bình luận