Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 17:11
Thứ sáu, 10/11/2023 19:11
TMO - Là một trong các địa phương có tính đa dạng sinh học cao so với cả nước, khu vực và trên thế giới, tỉnh Quảng Nam đề xuất đăng cai tổ chức “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024”.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, hướng dẫn, tham vấn ý kiến, hỗ trợ, phối hợp thực hiện đề xuất việc đăng cai tổ chức sự kiện “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024” tại địa phương này trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành, địa phương cả nước tổ chức các sự kiện phục hồi đa dạng sinh học có quy mô tầm quốc gia và quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học. Đồng thời, thúc đẩy, lan tỏa mạnh mẽ sự liên kết, chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế địa phương, phát huy hơn nữa các thành quả đã đạt được, giao lưu học tập chia sẻ kinh nghiệm với ngành, các tỉnh và bạn bè quốc tế trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Quảng Nam là một trong những địa phương khu vực miền Trung có nhiều cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Điển hình là quần thể rừng cây pơ mu và quần thể rừng hoa đỗ quyên.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, là một trong các tỉnh có tính đa dạng sinh học cao so với cả nước, khu vực và trên thế giới; trong những năm qua luôn tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tuần hoàn, hài hòa giữa môi trường và phát triển. Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024 tại tỉnh Quảng Nam góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 - 2030 của Liên hợp quốc; góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP15) diễn ra tại Montreal, Canada năm 2022.
Việt Nam được công nhận là một trong 25 nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Đồng thời là nơi trú ngụ của gần 14 nghìn loài thực vật, hơn 10 nghìn loài động vật trên cạn. Số loài sinh vật nước ngọt đã được biết đến là hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt. Số lượng loài sinh vật biển được biết là hơn 11 nghìn loài (6.300 loài động vật đáy, 2.500 loài cá biển, 653 loài rong biển, 657 loài động vật nổi, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và năm loài rùa biển). Tuy nhiên, các số liệu nêu trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ tính đa dạng sinh học của Việt Nam, khi số lượng loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh những năm gần đây. Điều đó chứng minh nguồn tài nguyên về đa dạng loài động, thực vật ở Việt Nam chưa thật sự được hiểu biết đầy đủ.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực đa dạng sinh học, Việt Nam đã và đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học như: Tình trạng khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, giải trí hoặc thương mại đã đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng trong tự nhiên và gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác. Đáng lo ngại, tình trạng chặt phá rừng vì mục đích thương mại, phá rừng do du canh là một trong những đe dọa trực tiếp làm mất rừng hoặc suy thoái rừng. Trong khi đó, phát triển giao thông và do các nguyên nhân khác đã và đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường, trong đó có các tác động làm giảm lớp phủ thực vật, phân mảng môi trường sống hoang dã của nhiều loài sinh vật nguy cấp, làm suy giảm nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông.
Hiện nay, việc cải tạo từng phần các bãi triều bằng cách trồng rừng ngập mặn tại vùng cửa sông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nơi trú ngụ và kiếm ăn ưa thích của nhiều loài chim di cư nguy cấp toàn cầu như loài cò thìa (platalea minor) và các loài chim di cư nguy cấp khác. Nhiều khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển đã bị cải tạo nhanh chóng với quy mô lớn thành các đầm nuôi tôm, bãi ngao và các hệ hải sản khác đã khiến các khu rừng ngập mặn nguyên sinh gần như biến mất tại nhiều địa phương. Hàng nghìn ha rạn san hô, thảm cỏ biển ở Việt Nam đã mất đi do bị khai thác hoặc do nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên mặt biển. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học ở mọi cấp độ, nhất là việc mở rộng thâm canh nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật với nhiều nguồn gốc khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến, thiếu kiểm soát đã góp phần làm suy thoái các quần thể chim và côn trùng ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, các hệ sinh thái vốn đã bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém hơn đối với những biến đổi này và có thể không tránh khỏi sự mất mát với tốc độ rất cao. Nhiều loài động, thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán và mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.
Thống kê đến năm 2021, Việt Nam có 181 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 65 khu bảo vệ cảnh quan, với tổng diện tích hơn 2,64 triệu ha. Ngoài ra, cả nước có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.
QUỐC DŨNG
Bình luận