Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ tư, 06/11/2024 12:11
TMO - Ngay sau nước rút, các cơ quan chức năng và ngành Y tế tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Trong tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh Quảng Bình bị lũ lụt làm ngập hơn 145000 ngôi nhà, 58 thôn, bản bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, cơ sở hạ tầng tại nhiều nơi bị phá hủy nghiêm trọng tình trạng rác thải, chất thải, còn tồn động tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cho người dân rất lớn. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương đảm bảo thuốc, vật tư y tế cần thiết, tổ chức điều trị người bị thương, bị bệnh sau lũ lụt, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt, nhất là bệnh về mắt, đường tiêu hoá và bệnh ngoài da.
Ngay sau khi lũ rút, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vệ sinh môi trường. Kịp thời cấp thuốc, hóa chất cho các đơn vị nhằm sớm trả lại môi trường sạch cho bà con vùng bị ngập.
Với phương châm “Nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó”, các cán bộ y tế đã huy động cán bộ, nhân viên cùng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tổng dọn vệ sinh môi trường và hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, nguồn nước, cung cấp đầy đủ hóa chất cần thiết như: Cloramin B, Aquatas… cùng các loại thuốc thiết yếu khác để xử lý môi trường và điều trị các loại bệnh thông thường hay mắc phải sau lũ, lụt cho người dân.
Cán bộ ngành Y tế Quảng Bình phun hoá chất tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt các loài mầm bệnh ngăn chặn dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ. Ảnh: (CDC Quảng Bình).
Để bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường sau ngập lụt, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình cũng đã cử cán bộ về tận nhà dân để giám sát, hỗ trợ xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau ngập tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Tại TP.Đồng Hới, UBND phường Phú Hải cũng đã phối hợp với ngành Y tế triển khai phun khử khuẩn môi trường tại khu vực chợ và toàn bộ các lớp học, khu vực bếp ăn tập thể, khuôn viên của Trường Mầm Non, Tiểu học và THCS Phú Hải.
Trước đó, ngành Y tế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ, tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau khi nước rút, chủ động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Chỉ đạo các trạm y tế nhận 100kg Cloramin B và cấp cho nhân dân nhằm khử trùng nguồn nước, thu gom và sử dụng hóa chất để xử lý xác động vật, tránh phát sinh các bệnh truyền nhiễm thường phát sinh sau lũ như đau mắt đỏ, bệnh về da, tiêu hóa. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các xã, phường và các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân kiến thức, thực hành đúng các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống ngộ độc thực phẩm sau mưa lũ.
Theo dự báo của cơ quan chức năng tình hình mưa bão vẫn còn diễn biến phức tạp . Ngành Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục lên kế hoạch đảm bảo công tác sơ cứu, cấp cứu, hỗ trợ người dân trong bão, lũ; đồng thời sẵn sàng ưu tiên thuốc men, hóa chất để phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ. Ngành Y tế khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh; ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng các hóa chất khử trùng nước.
Nguyễn Hoàng
Bình luận