Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ bảy, 26/03/2022 12:03
TMO - Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại thôn Giàng Pằng, thôn Lãng Mảnh, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn mọc tự nhiên, nhiều cây chè cổ thụ từ 1 đến 2 người ôm, đường kính gốc từ 0,8 từ 1,2m có diện tích phân bố trên phạm vi rộng hơn 70 ha, ở độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm mát ấm và sương mù, mây phủ.
Chè Shan tuyết ở xã Sùng Đô là quà tặng quý hiếm từ thiên nhiên dành cho người dân ở xã vùng cao Sùng Đô, được coi là tài sản vô giá của đồng bào Mông. Trải qua hàng trăm năm tuổi, cây chè Shan tuyết đã bám trụ trên đỉnh Giằng Pằng đã đi vào đời sống tâm linh và ngày càng khẳng định vị thế trong đời sống đồng bào Mông nơi đây.
Theo những người dân bản địa, cây chè đã có từ 300 - 400 năm trước, khi tổ tiên đồng bào Mông đến đây khai sơn, lập bản. Qua khảo sát nghiên cứu của các nhà khoa học, trong diện tích 70ha với 100 cây đầu dòng có hơn 100 năm tuổi. Diện tích chè shan này chính là nguồn thu nhập của hơn 200 hộ đồng bào Mông xã Sùng Đô.
Đến nay, tỉnh Yên Bái có hai vùng chè shan tuyết được công nhận Cây di sản Việt Nam tại xã Suối Giàng và Sùng Đô (Văn Chấn). Rừng chè Shan tuyết cổ thụ cùng với cảnh quan thiên nhiên và nét độc đáo của đồng bào Mông ở Sùng Đô sẽ là điểm du lịch sinh thái và du lịch khám phá đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân xã Sùng Đô nói riêng và huyện Văn Chấn nói chung.
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã có văn bản trình, đề nghị công nhận quần thể 100 cây chè shan tuyết cổ thụ thôn Giàng Pằng và Làng Mảnh là Cây Di sản Việt Nam.
Ngày 23/9/2019, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ký Quyết định công nhận Quần thể chè cổ thụ nơi đây là “Cây Di sản Việt Nam”. Sự kiện này giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa, lợi ích kinh tế to lớn của địa phương, đặc biệt trong phát triển du lịch cộng đồng.
Vũ Minh
Bình luận