Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 12:11
Thứ tư, 30/11/2022 21:11
TMO - Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ, giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vùng đồng bằng Sông Hồng hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao;…Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.
Các địa phương trong vùng đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý các nguồn thải. Ảnh: HN
Nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, Nghị quyết 30-NQ/TW nhấn mạnh: Các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng cần thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững đất đai; bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở dữ liệu địa chính toàn vùng. Đánh giá đúng hiện trạng đất chưa sử dụng trong vùng. Khẩn trương rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng; kiên quyết xử lý, thu hồi đúng pháp luật, không để tái diễn tình trạng dự án "treo", sử dụng không đúng quy hoạch, sai mục đích, phòng, chống lợi ích nhóm, tiêu cực; lành mạnh hoá thị trường bất động sản.
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước. Hoàn thành việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực Sông Hồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô. Có biện pháp để cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực các sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải...
Vùng đồng bằng sông Hồng phấn đấu đến năm 2030 nâng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85% toàn vùng. Ảnh: HA
Tăng nhanh tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các đô thị khác, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm nước các sông trong nội đô, đặc biệt là sông Tô Lịch; khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, nhất là các làng nghề; kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành, khu vực đông dân cư. Xây dựng, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia để định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng; đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút đầu tư phát triển các khu xử lý rác thải, nước thải và phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt.
Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia (Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Cát Bà, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng Kim Bảng...); ứng phó, giải quyết các sự cố, phục hồi môi trường vùng ven biển. Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học khu vực tiếp giáp các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng cửa Sông Hồng, sông Thái Bình, các vùng ngập nước ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trên nhằm mục đích khai thác và phát huy các thế mạnh của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hoá, lịch sử; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nhân lực chất lượng cao; phát triển nhanh mạng lưới đô thị với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm đồng bằng Sông Hồng trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước.
Nguyễn Mai
Bình luận