Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ hai, 20/06/2022 11:06
TMO - Nhằm đưa ra những giải pháp trong quản lý chất lượng nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bến Tre tiến hành đánh giá hiện trạng và đề xuất quản lý tổng hợp môi trường hồ chứa nước ngọt, trong đó có sông Ba Lai trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Bến Tre là một trong những tỉnh chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL. Sông Ba Lai là một trong những nguồn cấp nước ngọt quan trọng của tỉnh Bến Tre để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, canh tác nông nghiệp cho nhu cầu của 4 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm, Châu Thành và thành phố Bến Tre.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, năm 2016 tỉnh Bến Tre có điều tra đánh giá môi trường các sông lớn để xây dựng quy định phân vùng môi trường tiếp nhận nước thải tỉnh Bến Tre. Hơn 6 năm qua, tỉnh Bến Tre chưa thực hiện đánh giá lại hiện trạng môi trường các sông, trong đó có sông Ba Lai.
Tỉnh Bến Tre triển khai các giải pháp nhằm đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp môi trường hồ chứa nước ngọt tại các sông
Trước thực trạng trên, tỉnh Bến Tre triển khai nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng và đề xuất quản lý tổng hợp môi trường hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai tỉnh Bến Tre trong điều kiện BĐKH và xâm nhập mặn” do Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) đảm nhận tư vấn và bắt đầu khảo sát thu mẫu đợt 1 vào cuối mùa mưa tháng 12/2021 và đợt 2 vào tháng 3 - mùa khô năm 2022
Bằng các phương pháp chuyên môn, kết quả mô phỏng cho thấy, đối với hiện trạng quá trình xâm nhập mặn trên sông Ba Lai chủ yếu ảnh hưởng đến huyện Bình Đại và xã Tân Mỹ (Ba Tri). Mức ngưỡng mặn 0,25g/l xâm nhập vào thượng nguồn theo hướng Tây Bắc khoảng 14km và ngưỡng 5g/l xâm nhập khoảng 18km. Đối với ảnh hưởng mặn đến năm 2030 kết quả cho thấy mức nước mặn 0,25g/l tăng 3,5km về phía thượng nguồn của sông lên đến 17,5km và ngưỡng mặn 5g/l xâm nhập vào thượng nguồn khoảng 19km, tăng 1km so với hiện trạng ban đầu.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, đơn vị tư vấn cho rằng nước sông Ba Lai vẫn còn khả năng tiếp nhận nước thải đối với nguồn loại A (các thông số môi trường trong giới hạn cho phép). Để đảm bảo duy trì khả năng tiếp nhận nguồn nước đạt chất lượng loại A theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 08:2015/BTMT bắt buộc nước thải các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, các cơ sở chăn nuôi gia súc, nước thải đô thị dọc tuyến sông phải xử lý đạt loại A theo quy chuẩn về nước thải sinh hoạt, nước thải y tế, nước thải công nghiệp.
Theo đó, để quản lý chất lượng nguồn nước đến năm 2030, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đề xuất tỉnh Bến Tre cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, chính sách quản lý tài nguyên nước; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nói chung và sông Ba Lai Ba Lai nói riêng để làm cơ sở cho các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước.
Địa phương này triển khai hệ thống giám sát tài nguyên nước, đảm bảo chất lượng nguồn nước cho sản xuất
Đồng thời, hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước; nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với khu vực nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước để bảo đảm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, khuyến nghị về thống nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước giữa các Sở, ngành; tăng cường hiệu quả sử dụng nước, giải quyết các vấn đề ô nhiễm tài nguyên nước trên các lưu vực sông; đảm bảo sử dụng nước bền vững, đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với xâm nhập mặn và BĐKH.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt; nhanh chóng triển khai các dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tại các khu tập trung; lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết cho từng xã theo từng giai đoạn 5 năm sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương xây dựng cơ chế và ban hành các chính sách thích hợp để quản lý môi hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai.
Lan Anh
Bình luận