Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
Thứ sáu, 14/07/2023 19:07
TMO - Danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) có tổng diện tích quy hoạch 1.049.700 m2. Nơi đây sẽ thành trục cảnh quan, văn hóa lễ hội Đông - Tây kết nối không gian biển, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, sông Cổ Cò và trục cảnh quan xanh kết nối Thủy Sơn và Mộc Sơn.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Phạm vi lập quy hoạch, có diện tích 1.049.701m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Ranh giới lập quy hoạch gồm phía đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía tây giáp sông Cổ Cò; phía nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.
Mục tiêu quy hoạch nhằm quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, dịch vụ du lịch; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền trung”…
(Ảnh minh họa)
Về phân khu chức năng, Chính phủ điều chỉnh mở rộng phạm vi khu vực bảo vệ I của danh thắng thành 189.821 m2, bao gồm diện tích khu vực cảnh quan 6 ngọn núi (Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn), núi Ghềnh (8.373 m2) và núi đá phía đông nam Âm Hỏa Sơn (328 m2). Danh thắng có các công trình, di tích tôn giáo và kiến trúc có giá trị, nhà ở kết hợp kinh doanh đá mỹ nghệ, các khu chức năng, không gian cây xanh chuyên đề, mặt nước, khu vườn tượng, đền thờ tưởng niệm các liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng.
Chính phủ yêu cầu bảo tồn toàn bộ các giá trị nổi bật của danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong đó có hệ thống núi đá vôi, các hang động và bia Ma Nhai (văn tự khắc lên vách núi được UNESCO công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Thành phố Đà Nẵng và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, lễ kỵ Thạch nghệ Tổ sư nghề đá Non Nước, lễ hội đình Khuê Bắc, đồng thời phục hồi một số lễ hội truyền thống khác của cư dân địa phương.
Về phân kỳ đầu tư, trong giai đoạn 2023 đến 2026 sẽ đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ khu danh thắng. Giai đoạn 2026-2030 sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khảo sát, nghiên cứu và bảo tồn hệ sinh thái. Từ năm 2030-2050 sẽ triển khai hoàn tất các dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2050 với nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.
UBND TP Đà Nẵng có trách nhiệm quản lý, điều hành chung; chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo tồn, tôn tạo, tu bổ, phục hồi các hạng mục cấu thành, cơ chế phối kết hợp giữa các lực lượng tham gia công tác bảo vệ di tích. Thực hiện Công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hồ sơ quy hoạch được duyệt. Cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn vào hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Đà Nẵng phù hợp với từng thời kỳ.../.
LÊ HÙNG
Bình luận