Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ ba, 06/09/2022 14:09
TMO - Hướng tới sự bền vững về môi trường, quá trình điều chỉnh, sửa đổi chính sách về bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã và đang vận dụng Nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền” như là một hướng tiếp cận quan trọng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với bất kỳ một hệ thống quản lý chất thải rắn nào thì phí chất thải là một hợp phần rất quan trọng. Phí chất thải không chỉ là vấn đề tài chính của một hệ thống mà còn tạo chức năng khuyến khích kinh tế nhằm định hướng người xả rác có những sự thay đổi trong hành vi, hướng tới thải những chất thải với thành phần và khối lượng phù hợp. Một trong những mô hình thu phí chất thải được các nước triển khai để đạt được mục đích kép trên đó là mô hình thu phí chất thải rắn dựa trên lượng thải.
Tại Việt Nam đã có các quy định về nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng nguồn thu từ dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần gánh nặng trợ giá từ ngân sách nhà nước. Việc thu phí xử lý chất thải theo khối lượng được xác định là công cụ để phát triển thị trường thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt được tổ chức đấu thầu công khai cho các nhà thầu.
Các chuyên gia cho rằng, tổ chức quản lý nhà nước, phát triển thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt nên tập trung vào một đầu mối từ cấp Trung ương đến các địa phương. Hiện nay, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang giao cho nhiều bộ, ngành (sở, ngành tại các địa phương) quản lý: Chính phủ đã có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, một số địa phương đã bắt đầu định hướng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp việc. Tuy nhiên, các địa phương đều đề nghị để thực hiện tốt việc này cần sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của các bộ và sửa đổi Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: PB)
Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, cần từng bước áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt và chất lượng sản phẩm tái chế từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nên tránh việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt mà cần nâng cao năng lực, quy mô, sức cạnh tranh của đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt.
Giới chuyên gia cho rằng, nên sớm tiến hành thu phí vệ sinh theo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và khuyến khích người dân giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
Trong khu vực dân cư, phí vệ sinh cần được tính làm nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào phương thức phục vụ, tránh việc thay đổi giá dịch vụ một cách đột ngột; cần có lộ trình cụ thể, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có thực hiện thí điểm để tạo sự đồng thuận, rút kinh nghiệm kịp thời, tránh gây bức xúc trong nhân dân; cần công khai, minh bạch thông tin về thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt trên cơ sở thông tin về thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt được xây dựng, cập nhật và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và của địa phương để cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng dân cư cùng theo dõi.
Ngoài ra, cần có kênh thông tin tiếp nhận ý kiến về chất lượng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt; cần công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, theo đó dần hạn chế hình thức đặt hàng, giao kế hoạch cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt cho các doanh nghiệp nhà nước, tiến tới để giá đấu thầu quyết định đơn vị trúng thầu.
Đối với các chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, cần phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cùng nâng cao ý thức, hành vi bảo vệ môi trường trên nguyên tắc mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và người gây ô nhiễm cùng người hưởng lợi đều phải trả tiền. Hoạt động này phải tiến hành thường xuyên, liên tục, đổi mới các hình thức tuyên truyền trên phạm vi cả nước và được lồng ghép trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, không nên làm theo kiểu hô hào, khẩu hiệu.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các chủ thể thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, xem xét xử phạt các chủ thể của thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức lũy tiến, tăng nặng dần sau mỗi lần vi phạm. Đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt cần xem xét bổ sung việc đình chỉ hoạt động nếu để xảy ra vi phạm nhiều lần.
[Quản lý chất thải rắn sinh hoạt] Cần thống nhất đầu mối quản lý (Bài 1)
Phạm Yến – Thanh Bình
Bình luận