Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 00:11
Thứ sáu, 19/05/2023 14:05
TMO – Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái được thể hiện rõ thông qua đời sống sinh hoạt của Người, những bài viết, bài nói, những phong trào, những lời khuyên răn đối với nhân dân, cán bộ. Đến cuối đời, trong những lời dặn dò trong Di chúc, Bác cũng không quên đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đến những người làm công việc thầm lặng này. Ngày 30/5/1957, khi về thăm TP Hải Phòng, nói chuyện với nhân dân ở Nhà hát thành phố, Người đã nói đại ý, chúng ta phải biết ơn và kính trọng những người làm công tác vệ sinh môi trường, rằng bất kỳ công việc nào ích quốc lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều là vẻ vang. Có lần đi công tác ở nước ngoài vào mùa đông lạnh giá, Bác phát hiện ra một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ nước sở tại, được biết đây là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi, vào mùa đông rất ít rụng lá. Người đã xin giống cây ấy mang về Việt Nam, để nếu phù hợp với khí hậu nước ta thì sẽ trồng đại trà dọc theo các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, ít rụng lá, đỡ tốn công sức anh chị em công nhân quét đường (loại cây này, thường được gọi là “Cây xanh bốn mùa”.
Ngày 15/2/1965, Bác Hồ về thăm đồng bào xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và nói chuyện về công tác vệ sinh phòng bệnh (Ảnh tư liệu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về bảo vệ môi trường. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người thường xuyên kêu gọi nhân dân hãy chăm lo đến môi trường sống để "con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi". Trong đó, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường được Người rất coi trọng, thể hiện rõ thông qua đời sống sinh hoạt của Người, những bài viết, bài nói, hay lời khuyên răn đối với nhân dân, cán bộ. Đặc biệt, Người đã đưa “vệ sinh phòng bệnh” vào nội dung của phong trào thi đua yêu nước và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên cả nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Một trong những vấn đề có ý nghĩa sống còn lúc này là phải cải thiện đời sống nhân dân, thay đổi, xóa bỏ những lề lối, nếp sống cổ hủ, lạc hậu. Để chỉ đạo và động viên phong trào toàn dân xây dựng đời sống mới, năm 1947, với bút danh Tân Sinh, Người viết tác phẩm “Đời sống mới”. Tư tưởng của Người trong tác phẩm không chỉ có giá trị to lớn trong việc xây dựng con người, xã hội Việt Nam mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn có ý nghĩa thời sự đối với công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay, đặc biệt trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong tác phẩm, Người nhắc nhở: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”. Đồng thời nhấn mạnh "Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới". Đối với mỗi người dân thì gắng sức làm sao để "Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng... Luôn luôn cố gắng, làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng"; còn đối với mỗi làng xã, thì gắng sức thi đua "Làm cho làng mình thành một làng "phong thuần tục mỹ"”. Những điều dặn dò cụ thể đó đối với nhân dân ta thật có tác dụng to lớn biết bao trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng trong tình hình hiện nay.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để bảo vệ sức khoẻ con người ngoài việc ǎn, mặc, ở còn có hai yếu tố quan trọng khác là giữ gìn vệ sinh và luyện tập thể dục thể thao. Vệ sinh sạch sẽ theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần được hiểu là vệ sinh trong ǎn uống, nơi ở, đường phố, không khí, môi trường... Trong dịp lên thăm tỉnh Hà Giang ngày 27/3/1061, Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ, biện chứng giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe: “Muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch. Sức khoẻ thì lao động sản xuất mới tốt”. Người căn dặn: “Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xí chung hoặc cầu xia riêng cho từng nhà. Đã khỏi hôi thổi, ruồi nhặng, lại cỏ phân tốt".
Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực về bảo vệ môi trường thường xuyên được triển khai rộng khắp.
Ngày 2/7/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Vệ sinh yêu nước”, mở đầu, Bác viết: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”. Trong đó, Bác định hướng công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là một trong những việc quan trọng hàng đầu. Bác nhắc nhở: “Phòng bệnh hơn trị bệnh”, “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Khái niệm “vệ sinh” được Bác đề cập trong bài báo “Vệ sinh yêu nước” là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Đó là những vấn đề rất cụ thể như vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, vệ sinh để mỗi người dân được sống và làm việc trong môi trường trong lành, sạch sẽ, văn minh hơn như việc thực hiện ăn sạch, ở sạch; vận động người dân xây dựng các công trình vệ sinh như hố xí, nhà tắm, giếng nước; giữ gìn vệ sinh chuồng trại; thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho cá nhân, mang lại lợi ích cho cộng đồng và đất nước. Bác cũng đã quán triệt việc phát động phong trào vệ sinh yêu nước sâu rộng trong quần chúng với tinh thần chỉ đạo: “Phải đánh thông tư tưởng quần chúng, phát động quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng”, “Phải lãnh đạo chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên”.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với những cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng thông qua các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Ba sạch, ba diệt”, “Ăn sạch, ở sạch”, “Sạch làng, sạch ngõ”… Nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh đã được thực hiện. Những phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Điều này càng thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân có tầm nhìn xa trông rộng Với tầm nhìn của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Do vậy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm cấp thiết, thể hiện ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên hiện nay, nước ta cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, đó là nạn phá rừng đang xảy ra nghiêm trọng, độ che phủ rừng nguy cơ ngày càng giảm; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các khu công nghiệp, các làng nghề thủ công ngày càng có dấu hiệu gia tăng; dân số tăng nhanh cũng gây ra áp lực đối với hệ sinh thái nói chung; hàng hóa sản phẩm, công nghệ không thân thiện với môi trường từ các nước khác nhập vào. Phát thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Nạn chặt, phá rừng, buôn bán gỗ lậu, khai thác tài nguyên, khoáng sản không hơp lý diễn ra ngày càng tinh vi, gây ra nhiều hậu quả nặng nề như làm gia tăng nhiệt độ trái đất, kéo theo lũ lụt, sạt lở đất... Cùng với đó là việc loài người đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của các dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng... Điều đó đã ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống và tăng trưởng kinh tế của các nước, mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được nếu không có sự hợp tác, phối hợp với nhau. Do đó, đòi hỏi mỗi người phải quán triệt một cách sâu sắc hơn ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ gìn, nâng cao chất lượng của môi trường sinh thái.
K. LINH - PHẠM YẾN
Bình luận