Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 19:01
Thứ hai, 03/04/2023 15:04
TMO - Tỉnh Phú Yên xác định kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng xanh là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng biến đổi khí hậu khó lường hiện nay.
Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp, hàng năm phải hứng chịu nhiều dạng thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông, triều cường, lốc xoáy… Những tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (ban hành năm 2016), nếu nước biển dâng 50cm, khoảng 0,55% diện tích của tỉnh Phú Yên có nguy cơ bị ngập. Khi mực nước biển dâng lên 1m thì diện tích bị ngập tăng lên 1,08%. Các huyện ven biển có nguy cơ ngập cao là Đông Hòa và Tuy An. Nước biển dâng sẽ làm mất đất sản xuất lúa, rau màu…, đất lâm nghiệp và đất thổ cư cũng bị thu hẹp. Thực tế, nhiều năm qua, do mực nước biển tăng, một số khu vực ven biển đã ăn sâu vào đất liền vài trăm mét. Tốc độ bình quân bị xâm thực hàng năm từ 10-20m.
Nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Phú Yên đẩy mạnh sản xuất xanh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Phú Yên đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành nông, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; quan tâm thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng.
Theo đó, trên cơ sở những chỉ đạo, chính sách và định hướng lớn của Trung ương, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi xanh, để qua đó các cấp chính quyền và địa phương đã triển khai nhiều hành động và giải pháp, bước đầu mang lại nhiều kết quả quan trọng. Ngay sau khi Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt, cùng với thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã ban hành 05 chương trình hành động và 07 Quyết định, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.
Trong sản xuất xanh trong nông nghiệp, tỉnh từng bước tổ chức, cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp gắn với sản xuất xanh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 đã thu hút hơn 18 cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia và đến nay, kết quả triển khai thực hiện Đề án trồng khoảng 9.392.606 cây, đạt tỷ lệ 62,62%. Tính đến năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 46,55% (theo Quyết định công bố hiện trạng rừng của UBND các huyện, thị xã, thành phố) tăng so với năm 2020 là 45,09%, năm 2021 là 46,25%; Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 48% theo kế hoạch.
Tỉnh Phú Yên đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triểnác dự án điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. (Ảnh minh họa).
Nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng, tỉnh Phú Yên đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; nhất là quan tâm thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; qua đó tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương cập nhật 11 dự án điện mặt trời với tổng công suất 845,7MWp và 13 dự án điện gió với tổng công suất 956MW vào quy hoạch điện VIII. Đến nay, toàn tỉnh có 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 505,216MWp đã hoàn thành phát điện.
Thời gian tới, Phú Yên tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách, cụ thể hóa từng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, phân công cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thường xuyên về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khuyến khích mở rộng mô sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực giám sát, quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, sự cố môi trường. Đầu tư một số trạm quan trắc, cảnh báo thiên tai, thảm họa môi trường tự động trên các vùng nhạy cảm về biến đổi khí hậu, vùng ven biển của tỉnh.
Chủ động huy động nguồn lực trong và ngoài nước để tăng cường kiểm soát nguồn thải, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; quán triệt và thực hiện “khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo”; nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng, thuỷ văn, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Việt Hùng
Bình luận