Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 19:11
Thứ hai, 03/04/2023 19:04
TMO – Việc xác định nguyên nhân có độ chính xác cao nhất cần phát hiện kịp thời sự cố tràn dầu ngay từ ngoài khơi thông qua các lực lượng tại chỗ như việc phát hiện, thông báo từ những tàu thuyền đi qua nơi xảy ra sự cố.
Nhiều ý kiến kiến nghị ngành tài nguyên và môi trường cần xem xét hướng dẫn việc xây dựng, cập nhật bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ để phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu; hướng dẫn điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường; xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường do dầu tràn; xác minh nguyên nhân xảy ra dầu tràn chưa rõ nguồn gốc.
Với những kiến nghị trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đã ban hành Thông tư số 33/2018/TTBTNMT quy định quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển. Trong đó, đã có các quy định về lập và thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển giai đoạn 2018 – 2020, các nhóm nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã và đang trong quá trình hoàn thành để chuyển giao kết quả, sản phẩm cho cơ quan quản lý.
Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.
Sau khi tiếp nhận các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ có liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản pháp lý, hướng dẫn về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển như: Hướng dẫn xây dựng, cập nhật bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ để phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu; Hướng dẫn việc điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường; Hướng dẫn xác minh nguyên nhân xảy ra dầu tràn chưa rõ nguồn gốc.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xác minh nguyên nhân xảy ra dầu tràn chưa rõ nguồn gốc, để việc xác định nguyên nhân có độ chính xác cao nhất cần phát hiện kịp thời sự cố tràn dầu ngay từ ngoài khơi thông qua các lực lượng tại chỗ như việc phát hiện, thông báo từ những tàu thuyền đi qua nơi xảy ra sự cố. Khi nhận được phát báo, căn cứ tình hình thực tế có thể sử dụng các phương pháp giải đoán ảnh viễn thám, phân tích các số liệu gió, sóng và dòng chảy, mô hình lan truyền, ... để dự báo hướng di chuyển của vệt dầu tràn nhằm đưa ra những cảnh báo cho vùng ven bờ để có các biện pháp huy động lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu. Do đó, về phía địa phương cần chủ động trong việc theo dõi, giám sát môi trường trong khu vực quản lý và kịp thời báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường các sự cố tràn dầu không rõ nguyên nhân để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý theo quy định.
Các quy định này đã bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và hoàn thiện các cơ chế bồi thường thiệt hại về môi trường phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực môi trường, thông qua các quy định phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong từng giai đoạn từ phòng ngừa, ứng phó đến khắc phục; trách nhiệm chứng minh, bảo vệ các đối tượng yếu thế bị thiệt hại.
Phạm Dung
Bình luận