Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ sáu, 10/02/2023 13:02
TMO - Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn; đảm bảo thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, hiện nay tại cống Nàng Âm huyện Vũng Liêm, độ mặn giao động ở mức khoảng 3‰, tại vàm Rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) 0,1‰; trạm Đồng Phú (huyện Long Hồ) 0,1‰; vàm Quới An trên sông Cổ Chiên 2‰; trạm Tích Thiện 2,3‰; trạm Trà Ôn là 0,5‰, trạm Ngã Tư (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) 1,3‰.
Với tình hình trên đến nay nước mặn ở tỉnh Vĩnh Long đang nằm trong tầm kiểm soát, chưa xâm nhập sâu vào nội đồng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và khuyến cáo người dân đóng cống bọng nếu độ mặn vượt trên 1‰.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành nạo vét một số kênh chính, kênh tạo nguồn, đắp đập đê bao ngăn mặn.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tiếp tục triển khai hiệu Kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023 tỉnh Vĩnh Long, qua đó đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong mùa khô năm 2022-2023 và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh.
Đối với sản xuất nông nghiệp, việc triển khai Kế hoạch trên nhằm đảm bảo nước tưới cho diện tích 45.000ha lúa, trên 22.800ha cây màu vụ Đông Xuân vụ 2022-2023; hơn 41.000ha lúa và trên 19.200ha cây màu vụ Hè Thu năm 2023, và hơn 68.300ha cây lâu năm hiện có trong tỉnh. Trong đó, đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20.000ha lúa Hè Thu, hơn 3.700ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao trên 40/00 (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ).
Đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tỉnh, đặc biệt chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 12.700 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kênh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.Đảm bảo sức khỏe của người dân và tránh xảy ra dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy-nổ; giúp dân ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Thời gian qua, một số địa phương ở các cù lao, ven sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Tiền của Vĩnh Long giai đoạn này cũng đang phải đẩy nhanh các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn. Nhất là người dân ở cù lao Dài, Thanh Long (huyện Vũng Liêm) cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành, huyện Trà Ôn), cù lao Minh (các xã thuộc huyện Long Hồ), thời gian qua người dân tập trung thu hoạch trái cây, rau màu chạy mặn, lo trữ nước sẵn sàng ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt.
Các công trình thủy lợi đặc biệt là cống ngăn mặn, trữ ngọt được khai thác, vận hành hiệu quả trong mùa khô năm nay. Ảnh: MĐ
UBND tỉnh yêu cầu Kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn năm 2022-2023 phải được quán triệt đến tất cả cán bộ, Đảng viên ở các ngành, các cấp; các địa phương xây dựng kế hoạch mùa khô phải lồng ghép vào kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn; theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng-thủy văn, tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân để chủ động ứng phó; tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhất là ở các huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cao như Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít để ngăn mặn, trữ và tiếp nước ngọt nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước cấp cho sinh hoạt.
Nhằm chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó linh hoạt với tình trạng hạn hán, UBND tỉnh Vĩnh Long xây dựng ba kịch bản xâm nhập mặn xảy ra theo dự báo cụ thể: Kịch bản 1 (trường hợp xâm nhập mặn nhẹ hơn mùa khô năm 2015-2016; mực nước sông, rạch sụt giảm nhẹ); Kịch bản 2 (trường hợp xâm nhập mặn như năm mùa khô năm 2015-2016; mực nước sông, rạch sụt giảm mạnh); Kịch bản 3 (trường hợp mặn xâm nhập rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019-2020; mực nước sông, rạch rất thấp) và đề ra Biện pháp phòng, chống hạn, mặn xâm nhập ứng với kịch bản 3.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch đã được ban hành theo đúng quy định. Trong đó, tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có đảm bảo cấp nước sạch phục vụ đời sống của nhân dân.
Tiến hành nạo vét một số kênh chính, kênh tạo nguồn, đắp đập đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước, trữ ngọt, sữa chữa, bố trí trạm, máy bơm cấp nước tưới. Ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, đặc biệt là kênh thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn, trữ ngọt chống hạn. Tại các khu vực bị ảnh hưởng mặn, tập trung công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi để điều tiết nước ngọt và bơm tát chống hạn do thiếu nguồn nước...
Đức Lê
Bình luận