Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 21/12/2024 23:12
Thứ ba, 17/12/2024 11:12
TMO - Giai đoạn 2017 - 2021, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng hơn 70 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất và hầu hết các địa phương trên cả nước đều ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại ở người.
Theo Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra. Bệnh lưu hành ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó 95% các trường hợp tử vong ở khu vực châu Phi và châu Á. Đông Nam Á là điểm nóng về bệnh dại với số lượng chó thả rông lớn, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn vật nuôi (chó, mèo) thấp cùng tình trạng buôn bán thịt chó, mèo phổ biến tại một số quốc gia.
Bệnh dại là mối nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng con người; tỷ lệ tử vong do bệnh dại gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng. Phát hiện sớm và xử trí, tiêm phòng kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa tử vong. Đặc biệt, việc tiêm vaccine phòng dại đã được chứng minh là hiệu quả, tiết kiệm hơn rất nhiều so với điều trị sau phơi nhiễm, để ngăn ngừa tử vong bệnh dại ở người.
Tại Việt Nam, nguồn chính gây bệnh dại là chó, mèo. Trong giai đoạn 2017 - 2021, trung bình hàng năm ghi nhận khoảng hơn 70 trường hợp tử vong. Đây là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất và hầu hết các địa phương trên cả nước đều ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại ở người. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại do chó mèo thả rông.
Có nhiều nguyên nhân gây tử vong do bệnh dại ở người như: người bị động vật nghi dại cắn không tiêm vaccine phòng dại và/hoặc huyết thanh kháng dại, tiêm muộn, không đủ liều, không đúng chỉ định, tự điều trị, dùng thuốc nam; công tác quản lý đàn chó, mèo còn lỏng lẻo, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo thấp (chỉ khoảng 50% tổng đàn chó, mèo). Vì vậy, nguy cơ lây truyền bệnh dại từ động vật sang người vẫn rất lớn. Bộ Y tế nhận định, khả năng tiếp tục ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại ở người vẫn rất cao.
Hiện, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng ngừa bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng dại cho tất cả chó, mèo; người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y. Không đùa nghịch, chọc phá chó mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em.
Khi bị chó, mèo cắn, phải vệ sinh và khử trùng vết thương bằng cách: rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước, sau đó sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Không băng kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương. Tiêm vaccine phòng bệnh dại và/hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn. Để vaccine phòng bệnh dại có hiệu quả, cần tiêm vaccine đầy đủ trong thời gian ủ bệnh, trước khi các triệu chứng bệnh dại xuất hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuyệt đối không tự điều trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Người dần cần hạn chế tối đa việc buôn bán, giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ, rủi ro tiếp xúc trực tiếp với virus dại từ chó, mèo.
Liên quan đến việc nuôi chó, mèo thả rông gây bức xúc du luận trong thời gian qua, theo các chuyên gia, Luật Thú y đã quy định rõ, người nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương; bắt buộc tiêm phòng dại; phải giữ chó trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn như đeo rọ mõm, xích chó và có người dắt; chịu mọi phí tổn khi chó thả rông bị bắt giữ hay tấn công người khác. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thu ý và không gây tiếng ồn.
Chính quyền địa phương phải tổ chức quản lý, hàng năm phải tiêm phòng bắt buộc cho chó mèo trên địa bàn, bắt giữ chó thả rông, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, xử lý vi phạm, tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ bắt giữ chó và mạng lưới thú y. Những địa phương có sự chỉ đạo quyết liệt thì người dân chấp hành, còn những nơi lơi lỏng quản lý, chưa thực hiện tốt khâu tuyên truyền thì vi phạm diễn ra phổ biến, người dân chủ quan, đơn giản hóa vấn đề nuôi chó.
Tuy nhiên, chó thả rông gây ra rất nhiều hệ lụy như đã đề cập, do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần thay đổi góc nhìn, thực sự coi trọng vấn đề để có được những giải pháp đồng bộ: "Trước hết, cần coi trọng trách nhiệm của người nuôi chó. Làm tốt hơn việc tuyên truyền, giáo dục các quy định liên quan trong các cuộc họp tổ dân phố, trong mạng xã hội: Zalo nhóm, Facebook,…, thu hút các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị cùng vào cuộc để đôn đốc, nhắc nhở người dân. Nên hỗ trợ người dân trong việc đăng ký, quản lý chó nuôi.
Mạng lưới thú y cơ sở, các phòng khám hướng dẫn để người ta mang đi tiêm phòng và khai báo với chính quyền địa phương qua hệ thống này. Áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với chó thả rông. Cần được làm thường xuyên, công khai để tạo hiệu quả. Bởi vì đôi khi người ta cảm thấy lòng tự trọng, có khi tiền thì nhỏ thôi nhưng người ta thấy vấn đề là sự tôn trọng của người khác.
Phường xã thành lập các tổ bắt giữ chó, không cố định về thời gian, tạo tâm lý cho người nuôi là khi chó ra đường là có người bắt để xử lý vi phạm. Nên thành lập các trung tâm cứu hộ, phòng khám để tiếp nhận, chăm sóc, xử lý chó thả rông. Xử lý bằng công nghệ trong việc quản lý chó nuôi, gắn chip điện tử. Tất nhiên ở nơi có điều kiện mới làm được. Các đường phố bây giờ có hệ thống camera, chúng ta cũng nên đưa hệ thống giám sát bằng camera để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Chúng ta hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, đối xử nhân đạo với động vật, nâng cao phúc lợi cho động vật: chăm sóc sức khỏe tốt, điều kiện sống.
THANH BÌNH
Bình luận