Hotline: 0941068156
Thứ tư, 08/01/2025 02:01
Chủ nhật, 05/01/2025 19:01
TMO - Cả nước hiện có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong năm 2024 cơ quan chức năng đã thành lập 9 đoàn công tác kiểm tra công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại 17 tỉnh, thành phố; tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 80 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý và an toàn thực phẩm.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2024, ngành thú y đã kiểm soát hiệu quả nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước. Cụ thể, số ổ dịch cúm gia cầm giảm 23,8% và dịch tai xanh giảm tới 60%. Nhờ đó, ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng 5,2 - 5,5%, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Về công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, cả nước hiện có 3.750 cơ sở, vùng chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 1.269 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm, 2.430 cơ sở trên gia súc và 51 vùng an toàn dịch bệnh dại.
Dịch tả lợn châu Phi gây nhiều thiệt hại cho các địa phương. Ảnh minh họa.
Đối với thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.490ha, giảm 11,3% so với năm 2023; ngoài ra có khoảng 4.993 lồng, bè, vèo, bể nuôi có thủy sản bị thiệt hại. Các bệnh nguy hiểm như gan thận mủ, xuất huyết và ký sinh trùng trên cá tra và tôm nuôi được kiểm soát tốt hơn, góp phần ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, việc sử dụng vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm còn gặp khó khăn do công tác tuyên truyền hạn chế và giá vacxin cao, vượt khả năng chi trả của người chăn nuôi nhỏ lẻ. Một số loại vacxin quan trọng chưa được đưa vào chương trình quốc gia, gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai tiêm phòng.
Với sự quyết liệt của toàn ngành thú y, hiện đã triển khai nhiều biện pháp giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm ngặt. Hiện nay, cả nước có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong năm 2024, đã thành lập 9 đoàn công tác kiểm tra công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại 17 tỉnh, thành phố; tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 80 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, ngành thú y cũng thực hiện giám sát chất cấm Salbutamol tồn dư trong nước tiểu gia súc và sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã triển khai lấy 368 mẫu thịt và thức ăn chăn nuôi và không phát hiện chất cấm Salbutamol.
Được biết, năm 2024, sản lượng thịt xẻ các loại sản xuất trong nước đạt 5,6 - 5,8 triệu tấn (chỉ tiêu từ 5 - 5,5 triệu tấn). Sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả (chỉ tiêu từ 18 - 19 tỷ quả). Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: Thịt xẻ 56 - 57kg (chỉ tiêu từ 50 - 55kg), 220 quả trứng (chỉ tiêu 180 - 190 quả). Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên trên 31 triệu con (chỉ tiêu đến năm 2030 từ 29 - 30 triệu con). Kén tằm hơn 18.000 tấn (chỉ tiêu đến năm 2030 là 10.000 tấn).
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 533 triệu USD (tăng 6,5%). Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt hơn 21 triệu tấn (tăng 3,4%). Hầu hết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023 (ngô giảm hơn 15%, khô dầu đậu tương hơn 10%, cám gạo chiết ly gần 8%, thức ăn hỗn hợp lợn thịt vỗ béo từ 60kg trở lên 7%, thức ăn hỗn hợp gà thịt lông màu 5%, gà thịt lông trắng 5,3%...).
THIÊN LÝ
Bình luận