Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 17:11
Thứ hai, 13/11/2023 20:11
TMO – Hà Giang phấn đấu trở thành địa phương phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới và du lịch.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Pham vi lập Quy hoạch là toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên là 7.927,55 km2.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Hà Giang là địa phương phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái.
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang. Ảnh: BÙI HOÀNG
Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8%/năm.
Về cơ cấu kinh tế, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29,0%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%; Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4 - 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng. Về văn hóa - xã hội, chỉ số phát triển con người HDI đạt khoảng 0,8. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt trên 75%. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hà Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang phía Bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Năm 2022, Hà Giang có 29/36 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch năm; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh) đạt 16.286 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2021, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,04%; khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 15,25%; khu vực dịch vụ tăng 5,97%. Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, có mức tăng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 16,8% so với năm 2021, đặc biệt ngành công nghiệp sản xuất điện phát triển mạnh, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản phát triển thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị cao.
BÙI HOÀNG
Bình luận