Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ bảy, 18/11/2023 20:11
TMO – Cà Mau phấn đấu đến năm 2050 là địa phương kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn.
Theo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được Chính phủ phê duyệt), đến năm 2030, Cà Mau sẽ trở thành địa phương phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Trong đó, Cà Mau phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.
Một phần của TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ảnh: PHƯƠNG ĐIỀN
Đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Cà Mau cần chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Cà Mau nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây), là nơi duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 250 km. Đây cũng là một trong 4 địa phương có ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm, với hơn 4.500 tàu cá. Vùng biển Cà Mau còn có 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc).
Trong đó, cụm đảo Hòn Khoai nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể thu hút đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp nước sâu quy mô lớn, gắn với tuyến Hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mekong mở rộng. Ngoài lợi thế về địa lý, vùng biển Cà Mau còn có tiềm năng lớn về dầu khí; du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái ven biển và tiềm năng phát triển năng lượng sạch… Tỉnh có hai hệ sinh thái đan xen với miệt rừng ngập mặn đặc trưng phục vụ nuôi trồng thủy sản và miệt rừng tràm ngập ngọt gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, thủy sản, làm bệ đỡ phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2022, phát triển kinh tế-xã hội toàn tỉnh Cà Mau có nhiều tích cực, đặc biệt về nông, lâm, ngư nghiệp. Theo đó, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 11/2022 ước đạt 54,43 nghìn tấn, tăng 6,21% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 566,96 nghìn tấn, tăng 0,94% so cùng kỳ; trong đó: tôm 209,47 nghìn tấn, tăng 5,72% so cùng kỳ. Tổng diện tích xuống giống lúa vụ mùa đến thời điểm này đạt 40.850,70 ha, đạt 104,83% so kế hoạch. Toàn tỉnh trồng được 2.837,92 ha; trong đó: trồng lại rừng sau khai thác 2.648,5 ha, trồng thay thế 2,42 ha, trồng mới 187 ha.../.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận