Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 18:11
Thứ ba, 21/11/2023 19:11
TMO – Tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre sẽ là địa phương phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TP. HCM.
Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, phạm vi, ranh giới tỉnh Bến Tre bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bến Tre và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Bến Tre sẽ trở thành địa phương phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2,5%...
Bến Tre phấn đấu trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: MỸ PHỤNG.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre là địa phương phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xã hội phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại; môi trường, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ; con người phát triển toàn diện, có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Theo Quy hoạch, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi đáp ứng các điều kiện cần thiết sẽ từng bước mở rộng không gian ra hướng Đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và TP. HCM. Nghiên cứu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào các chương trình, dự án ưu tiên cho đầu tư phát triển của tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật. Chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là trong quản lý và các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh), vận tải, logistics, chuyển đổi số và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bến Tre thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất hợp thành của ba cù lao lớn do nguồn phù sa từ bốn nhánh sông Cửu Long bồi tụ. Phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía Nam và tây giáp tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, phía Đông giáp biển Đông. Bến Tre có nhiều tiềm năng và lợi thế của vùng lúa, vùng biển, của miệt vườn, với hoa trái trù phú, nổi tiếng nhất là cây dừa, cùng du lịch văn hóa và sinh thái hấp dẫn…
Dừa là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre.
Theo số liệu thống kê, GRDP cả năm 2022 của tỉnh Bến Tre ước tăng 7,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ phục hồi khá tốt sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, khu vực công nghiệp xây dựng đạt mức tăng 12,72%; khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 3,27%. Trong năm 2022, có 568 doanh nghiệp (DN) và 451 đơn vị trực thuộc thành lập mới với vốn đăng ký hơn 4.842 tỷ đồng, tăng 36,54% so cùng kỳ năm 2021; có 201 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 14,86% so cùng kỳ và 121 DN giải thể, tăng 27,37% so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 57.036 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ và đạt 101,85% kế hoạch. Ước cả năm 2022, tổng số lượt khách du lịch lữ hành ước 554.734 lượt, tăng 252,13% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước 66,87 tỷ đồng, tăng 211,79% so cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.510 triệu USD, tăng 19,69% so cùng kỳ và đạt 100,64% kế hoạch. Đáng chú ý, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là loại trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sau các loại xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước năm 2022 đạt 5.569 tỷ đồng, giảm 2,42% so cùng kỳ. Theo kết quả điều tra hộ nghèo sơ bộ năm 2022, toàn tỉnh còn 14.326 hộ nghèo (giảm 2.824 hộ so năm trước) tỷ lệ 3,55% và 14.954 hộ cận nghèo (giảm 2.042 hộ), tỷ lệ 3,73%.../.
MỸ PHỤNG
Bình luận