Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ bảy, 18/11/2023 13:11
TMO – Đô thị mới Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) là đô thị loại III vào năm 2025 hướng tới đô thị loại II vào năm 2035 với mô hình thành phố thuộc thành phố Hải Phòng. Quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 600.000 người, đến năm 2040 khoảng 645.000 người, đến năm 2045 khoảng 725.000 người.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên (Hải Phòng) đến năm 2045. Theo đó, Nhiện vụ Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên đến năm 2045 nhằm cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia và của thành phố Hải Phòng; nâng tầm vị thế đô thị Thủy Nguyên trở thành trung tâm kinh tế đa ngành của thành phố Hải Phòng và của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng. Đồng thời, xây dựng, phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, hướng tới thành phố quốc tế, thành phố sinh thái thông minh; phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, cảnh quan, môi trường, văn hóa; đảm bảo quốc phòng, an ninh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đô thị mới Thủy Nguyên là đô thị loại III vào năm 2025 hướng tới đô thị loại II vào năm 2035 với mô hình thành phố thuộc thành phố Hải Phòng. Là trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa thể dục thể thao, y tế, giáo dục; là trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ; là đô thị thông minh, sinh thái, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Quy mô dân số dự báo đến năm 2035 có khoảng 600.000 người, đến năm 2040 có khoảng 645.000 người và đến năm 2045 khoảng 725.000 người.
Huyện Thủy Nguyên trong tương lai sẽ trở thành trung tâm kinh tế của TP. Hải Phòng. Ảnh: QUỲNH VÂN
Nhiệm vụ Quy hoạch phải phân tích vị trí, đánh giá điều kiện tự nhiên. Tập trung đánh giá phân tích về vị trí vai trò của Thủy Nguyên trong toàn thành phố và các mối liên hệ của Thủy Nguyên với vùng đô thị hiện hữu Nam sông Cấm cũng như với các vùng phụ cận thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh từ đó tìm ra các lợi thế so sánh, các hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh và hợp tác phát triển giữa các đô thị. Phân tích đánh giá về hiện trạng dân số, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Tập trung đánh giá quá trình tăng trưởng dân số, cơ cấu dân số, lao động trong đó lưu ý sự tăng trưởng cơ học gắn với sản xuất công nghiệp, dịch vụ từ khi phát triển Khu công nghiệp đô thị VSIP, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Khu công nghiệp Bến Rừng... Đánh giá hiện trạng đô thị theo các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị. Rà soát đánh giá chất lượng đô thị và đối chiếu theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu của đô thị loại III và hướng tới loại II để tìm ra hướng đầu tư trọng điểm sớm đưa Thủy Nguyên lên đô thị loại III giai đoạn trước mắt và hướng tới đô thị loại II trong tương lai.
Phân tích, làm rõ các Nghị quyết, Quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của: Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển thành phố Hải Phòng; phân tích các tác động của Quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành mới, mang lại những động lực, tiềm năng mới cho thành phố Thủy Nguyên. Phân tích và làm rõ vị thế, vai trò của thành phố Thủy Nguyên trong định hướng tổng thể thành phố Hải Phòng, cũng như trong vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời làm rõ các kết nối chia sẻ hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
Đánh giá được động lực, tiềm năng chính, cơ chế chính sách, quỹ đất, tính đa dạng văn hóa, lịch sử và các đặc trưng về địa lý, kinh tế, cảnh quan, môi trường.
Xác định tính chất, chức năng đô thị, tính chất, chức năng cần phù hợp với các định hướng phát triển được xác định trên cơ sở các Nghị quyết, Quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của: Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đối với thành phố Hải Phòng và vùng đồng bằng sông Hồng. Tính chất, chức năng của thành phố Thủy Nguyên cần nghiên cứu và bổ sung so với đồ án Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng được duyệt năm 2023 để đảm bảo thành phố phát huy được tối đa các lợi thế về vị trí, vị thế, vai trò của một đô thị cửa ngõ...
Thủy Nguyên nằm bên dòng sông Bạch Đằng. Phía Bắc, Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây Nam giáp huyện An Dương và nội thành Hải Phòng; phía Đông Nam là cửa biển Nam Triệu. Địa hình Thuỷ Nguyên khá đa dạng, dốc từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam, vừa có núi đất, núi đá vôi, vừa có đồng bằng và hệ thống sông hồ dày đặc. Đây chính là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để huyện Thuỷ Nguyên phát triển một nền kinh tế đa dạng về ngành nghề bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thuỷ sản và du lịch.
Từ một địa phương rộng lớn và đông dân nhất Hải Phòng với 37 xã, thị trấn và gần 340 nghìn người, trong đó có nhiều xã từng được coi là “xã miền núi”, nhưng trong 10 năm qua, Thủy Nguyên liên tục đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,6%/năm; quy mô tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt gần 41 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2013. Từ địa phương nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, dịch vụ chuyển dịch nhanh và lên tới 93,2%; nông-lâm-thủy sản chỉ còn chiếm gần 7%. Ngày 25/10/2022, huyện Thủy Nguyên được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang thực hiện mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025./.
QUỲNH VÂN
Bình luận