Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 05:10
Thứ hai, 16/09/2024 08:09
TMO – Chính phủ yêu cầu tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.
Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hưng Phú tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư 1.939,641 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 300 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Tại Quyết định trên, Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm bảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, sử dụng phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Hưng Phú còn lại (5,92 ha) theo quy định của pháp luật; đánh giá nhu cầu sử dụng phần diện tích này để có phương án điều chỉnh giảm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quản lý khu công nghiệp, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành. Đồng thời, kiểm tra, giám sát đảm bảo việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt; tuân thủ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã phân bổ cho tỉnh Thái Bình.
Thái Bình đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh minh họa.
Bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có đất trồng lúa để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật; có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa khác để bù lại đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định; kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt theo quy định, thực hiện đúng các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.
Chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, tài nguyên nước và phòng chống thiên tai; có phương án thiết kế xây dựng đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn đê và việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi, khả năng canh tác của người dân trong khu vực. Chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án không có công trình di sản văn hóa vật thể hoặc ảnh hưởng đến sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thái Bình; phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Chính phủ yêu cầu, trong quá trình triển khai dự án nếu có công trình sâu dưới mức -100m hoặc phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khoáng sản; phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình, địa phương này sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng đồng bằng sông Hồng. Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá của tỉnh như: năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản… Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp...
Tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. Ổn định vận hành có hiệu quả hai nhà máy nhiệt điện hiện có, song song với việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu than. Để đạt được những mục tiêu trên, những năm qua Thái Bình đã tập trung khai thác thế mạnh, biến khó khăn thành động lực để phát triển. Là một trong những địa phương được đánh giá năng động, có nhiều tiềm năng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư, môi trường an ninh xã hội, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, lực lượng lao động…, Thái Bình đã sớm tạo quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp.
Hiện Thái Bình có 10 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Nổi bật và hấp dẫn là Khu Kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với diện tích là 30.583ha với 22 khu công nghiệp với diện tích là 8.020 ha đất công nghiệp. Địa bàn có vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35 km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km.../.
VŨ MINH
Bình luận