Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 08:01
Thứ hai, 01/01/2024 20:01
TMO – Việt Nam phấn đấu đưa lĩnh vực trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
(Ảnh minh họa)
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8-10%/năm. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương...) 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng.
Phấn đấu đến năm 2050, trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.
Thống kê năm 2022, ngành trồng trọt tiếp tục triển khai nhiều mô hình trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế hơn. Năm 2022, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có tốc độ tăng trưởng khá như: Sản lượng lúa chất lượng cao ước tính tăng khoảng 4,7% so với năm 2021; cà phê đạt 1.896,8 nghìn tấn, tăng 51,8 nghìn tấn (tăng 2,8%); cao su đạt 1.291,5 nghìn tấn, tăng 19,6 nghìn tấn (tăng 1,5%); sầu riêng đạt 849,1 nghìn tấn, tăng 174,7 nghìn tấn (tăng 25%); mít đạt 845,3 nghìn tấn, tăng 119,5 nghìn tấn (tăng 16%); cam đạt 1,7 triệu tấn, tăng 129,8 nghìn tấn (tăng 8,2%).
LÝ LAN
Bình luận