Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 19:11
Thứ tư, 05/04/2023 08:04
TMO - Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát cơ bản hoàn thành công tác điều tra địa chất, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng phần đất liền; điều tra địa chất, khoáng sản vùng biển ven bờ, hải đảo; phát hiện, điều tra khoáng sản vùng biển sâu, xa bờ; điều tra các điều kiện địa chất khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dự trữ khoáng sản quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai.
Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2045 đối với các khoáng sản: than, urani, titan - zircon, đất hiếm, apatit, đồng, niken, thiếc, bauxit, cát thủy tinh và một số khoáng sản khác; cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn (urani, đất hiếm, apatit, bauxit, titan, than, cát trắng, đá hoa trắng) làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
(Ảnh minh hoạ)
Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đầu tư công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon; chấm dứt các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ. Điều tra, đánh giá lập bản đồ tai biến địa chất, địa chất môi trường các tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long; điều tra lập bản đồ di sản địa chất toàn quốc; hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ; điều tra, đánh giá cát, sỏi, vật liệu xây dựng các lưu vực sông.
Hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các khu vực biển ven bờ có triển vọng khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng; điều tra địa chất tỷ lệ 1:500.000 một số vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề, gắn với tìm kiếm, phát hiện các khoáng sản biển sâu (kết hạch, vỏ sắt - mangan, khí hydrate,...).
Hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng khu vực; đẩy mạnh việc phát triển các dự án khai thác, chế biến đối với một số khoáng sản bauxit, titan-zircon, đất hiếm, niken.
Hoàn thành việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản nhỏ lẻ, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030; Phát triển công nghệ chế biến sâu các loại khoáng sản trên cơ sở phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực về địa chất, khoáng sản nhằm phục vụ chủ yếu nhu cầu nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2045 hình thành nền công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á.
Tú Quyên
Bình luận