Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ năm, 02/06/2022 08:06
TMO - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng mới đây đã phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đặt nhiều mục tiêu phát triển rộng rãi vật liệu xanh, công trình xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Kế hoạch chỉ rõ mục tiêu ngành Xây dựng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên cơ sở thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong giai đoạn 2022 - 2030, ngành Xây dựng sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; xây dựng và thực hiện lộ trình của ngành trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngành Xây dựng đẩy nhanh hoàn thành bộ tiêu chí, quy trình đánh giá các khu đô thị xanh, phát thải khí cácbon thấp
Đồng thời, lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính vào đồ án quy hoạch chung đô thị; 100 các đô thị loại 3 trở lên khi lập quy hoạch đô thị mới hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị phải lồng ghép nội dung thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.
Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải các bon thấp; khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải khí các bon thấp. Đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các bon thấp. Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đô thị xanh, phát thải các bon thấp.
Phát triển các công trình xây dựng (nhà ở, trụ sở văn phòng, tòa nhà thương mại dịch vụ...) thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải các-bon thấp.
Đến năm 2030, lĩnh vực đầu tư xây dựng, vận hành nhà ở chung cư giảm ít nhất 25% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2020; 100% công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả;
Thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, phát thải các-bon thấp. Hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải các-bon thấp cho các sản phẩm vật liệu xây dựng (xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng) và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng và công nghiệp. Đến năm 2030, 25% các vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh.
Ngành Xây dựng ưu tiên phát triển vật liệu xây dựng xanh, vật liệu tái chế. Ảnh: Lê Quân
Đối với giai đoạn sau năm 2030, ngành Xây dựng đặt mục tiêu 100% các công trình xây dựng mới thực hiện kiểm kê khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lồng ghép thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính;
Phát triển rộng rãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với BĐKH. Mục tiêu đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải các-bon thấp. Trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí công trình xanh, 100% các tòa nhà thương mại, chung cư được chứng nhận tòa nhà phát thải cac-bon thấp.
Để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển ngành trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ BĐKH, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Lồng ghép, tích hợp các yếu tố BĐKH trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản Pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật của ngành Xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa, đa dạng hóa, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai có hiệu quả hoạt động của ngành ứng phó với BĐKH.
Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất vật liệu xanh, xây dựng công trình, hạ tầng, đô thị xanh, phát thải các-bon thấp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Việt Nam; Áp dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý (GIS), công cụ dựa trên thị trường (MBIs), công cụ định giá các-bon và quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ ứng phó với BĐKH,
Thiết lập hệ thống thông tin, cơ sớ dữ liệu, trang Web về BĐKH của ngành Xây dựng, kết nối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, dự báo các vấn đề liên quan đến BĐKH và định hướng thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH.
Tăng cường hợp tác, kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực, thiết lập mạng lưới đối tác song phương, đa phương về BĐKH liên quan đến các hoạt động của Ngành. Cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH của các nước phát triển.
Minh Tâm
Bình luận