Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 03:11
Thứ năm, 29/02/2024 08:02
TMO - Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Ngành Lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với bình quân khoảng 6,2 triệu ha/năm, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi. Cùng với đó, năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Sau 3 năm hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp trong bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức, phát triển sản xuất lâm nghiệp đã được triển khai toàn diện, đồng bộ.
(Ảnh minh họa)
Về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Hàng năm, cả nước trồng được trên 260 nghìn ha rừng. Năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, tỷ lệ xuất siêu cao.
Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng; trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp.
Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì đạt 42,02%; tăng cường quản lý chặt chẽ và dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên. Việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường; góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, thực hiện các cam kết toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu khác về phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm chế biến, thương mại đồ gỗ lớn của thế giới. Vì vậy, cần thay đổi mô hình tăng trưởng để giữ được vị thế và tiếp tục phát triển, trong đó thương mại xanh, sản phẩm xanh và tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của thế giới. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất theo 3 cấp: cả nước, cấp tỉnh và cấp huyện. Phân bổ hợp lý quỹ đất cho phù hợp với yêu cầu sử dụng đất và quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Bổ sung đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Mở rộng đối tượng là tổ chức kinh tế, cá nhân được nhận chuyển nhượng, cho thuê đất lâm nghiệp phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng, miền.
Cần đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất lâm nghiệp. Khuyến khích tích tụ, tập trung đất để phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp tập trung quy mô lớn. Sử dụng đất lâm nghiệp đa mục đích nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
BÙI HOÀNG
Bình luận