Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Thứ sáu, 09/12/2022 19:12
TMO – Thời gian gần đây, ngành hàng rau quả có sự tăng trưởng mạnh mẽ với trị giá xuất khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD. Một trong những động lực thúc đẩy phát triển ngành hàng này chính là sự liên kết, hợp tác công-tư và sự liên kết trong các doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, trong năm 2022, các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand… đã đón nhận gần 20 loại củ quả được xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Tuy cơ hội còn rất lớn nhưng chuỗi sản xuất rau quả của Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức. Điển hình như việc thực hành sản xuất tốt mới chiếm tỉ lệ nhỏ, nhiều hộ nhỏ lẻ sản xuất nên việc cấp mã số vùng trồng còn nhiều khó khăn; trong khâu bảo quản thì tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch lớn, dịch vụ hỗ trợ bảo quản còn nhiều hạn chế; vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo ngại khi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn chưa đảm bảo, việc nhiễm chéo thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra…Tất cả những vấn đề này đang tác động lớn đến xuất xứ hàng hóa khiến lượng rau củ của Việt Nam được xuất khẩu mới chiếm khoảng 10% sản lượng sản xuất.
Cà phê - sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng Tây Nguyên.
Trong nhóm ngành nông sản, rau quả là một trong những ngành hàng có bứt phá mạnh về năng lực sản xuất trong 5 năm trở lại đây, ngày càng mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng. Ngoài ra, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương giúp rau quả của Việt Nam được mở rộng thị trường và tiêu thụ trên toàn thế giới.
Trước đó, tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD. Trong số đó, tỉ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020. Mặt khác, đề án cũng nhắm đếm mục tiêu đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Để đạt được các mục tiêu lớn này, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP).
Đối với ngành nông nghiệp, được biết, ngành nông nghiệp đã tiên phong thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), gồm 8 nhóm công tác ngành hàng PPP (cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu; gạo; hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi) tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Thông qua các mô hình này, lãnh đạo địa phương sẽ hiểu hơn về các hình thức hợp tác, doanh nghiệp và người dân cũng nhìn thấy hiệu quả thực tế để cùng chung tay vào công cuộc phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Thiên Lý
Bình luận