Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ tư, 30/11/2022 08:11
TMO – Năm 2018 cả nước có 46 tỉnh, thành phố tham gia sản xuất và chuyển đổi mô hình nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2021 con số đã lên tới 57 tỉnh, thành phố và đến nay là 62 tỉnh, thành phố tham gia mô hình này.
Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng trên 174.351 ha (tăng 47% so với năm 2016); các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo, có khoảng 17.174 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến có khoảng 555 đơn vị; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010-2016. Theo thống kê của Liên đoàn Quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay đã tăng 4 lần so với trước. Theo dự báo khoảng 3 năm nữa sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra và đến năm 2030 sẽ vượt kế hoạch là 2% về diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, cần sự phát triển ổn định, bền vững. Trước mắt, cần có sự quy hoạch đồng bộ, bài bản. Hiện nay chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1104:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 chưa thật sự đi vào cuộc sống đã phải chuẩn bị để thay thế bằng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2017 (đang dự thảo) với các quy định chi tiết hơn.
Nông nghiệp hữu cơ tuy đã chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia. Ý thức của các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa thật tốt để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, được người tiêu dùng tin tưởng. Nhiều cơ quan chức năng đã có những đề nghị, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp hữu cơ phát triển, tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng ở đề xuất mà chưa có chính sách, cơ chế cụ thể nào được ban hành.
Thêm nữa, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát. Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Hơn nữa, quy trình sản xuất lại khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao.
Do vậy, Chính phủ cần có định hướng quy hoạch vùng với các sản phẩm ưu tiên, có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất. Nhà nước cần có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng để sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ổn định, bền vững. Cụ thể, chính sách nhà nước phải hướng tới người sản xuất và thực tế thị trường chứ không phải hướng tới mục tiêu quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, vấn đề đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ cũng cần phải giải quyết triệt để. Có một nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu trong khi đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay quy mô còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra. Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ. Mặt khác, ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy định, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ của nhà nước. Cùng với việc quản lý quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa rõ ràng nên nông dân gặp khó khăn trong thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ...
Song hành với hỗ trợ từ phía tổ chức, bản thân các đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng cần chủ động tìm hiểu, cập nhật các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Quan trọng nhất, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải phát triển song hành với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới, cần tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội nhất là cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp về vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện môi trường sinh thái, vì sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện xây dựng mô hình điểm, nhân rộng và ban hành quy trình để người tiêu dùng người sản xuất cảm nhận, thay đổi hành vi và có thói quen sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sử dụng sản phẩm sạch. Theo giới chuyên gia, các bộ, ngành cần tăng cường quản lý nông nghiệp, tạo cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các tổ chức, đơn vị sản xuất các sản phẩm không an toàn, sử dụng chất độc hại, chất cấm trong sản xuất; lên án mạnh mẽ, tẩy chay các sản phẩm bảo không đảm chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Thiên Lý
Bình luận